Hệ thống pháp luật

Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL32783

Câu hỏi:

Cho tôi hỏi việc hiểu về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng như thế nào? Việc áp dụng đối với mức tiền phạt 250.000 đồng là áp dụng đối với một hành vi hay tổng mức tiền phạt của nhiều hành vi. Trường hợp người vi phạm 2 lỗi với mức phạt thực tế là 250.000 đồng nhưng tổng mức phạt tối đa có thể phạt đến 320.000 đồng thì có phải áp dụng theo thủ tục không lập biên bản không?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012

Nghị định 81/2013/NĐ-CP

2. Nội dung tư vấn

Trước hết, vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính (theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012). Xử phạt vi phạm hành chính, theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. 

Căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì:

"Điều 56. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản

1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.

Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt…"

Như vậy, trong trường hợp phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đén 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức thì người xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản mà ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ. Theo quy định tại Điều 69 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì quyết định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản phải được giao cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt 01 bản. Trường hợp người chưa thành niên bị xử phạt cảnh cáo thì quyết định xử phạt còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó.

Cá nhân, tổ chức vi phạm nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt và phải nộp tiền phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt. Nếu trong trường hợp không có khả năng nộp tại chỗ hoặc thì nộp tại Kho bạc hoặc tài khoản của Kho bạc. 

Thứ hai, về việc áp dụng thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản đối với trường hợp một người có nhiều hành vi vi phạm hành chính trong một vụ việc.

Trường hợp đối với nhiều hành vi vi phạm cùng lúc, theo quy định của Điều 6 Nghị định 81/2013/NĐ-CP thì trường hợp cá nhân, tổ chức có nhiều hành vi vi phạm trong cùng một vụ vi phạm thì biên bản vi phạm phải nêu rõ từng hành vi vi phạm. Theo Điều 67 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì nếu cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần thì ra một quyết định xử phạt, trong xử phạt, trong cùng một quyết định.

Như vậy, trường hợp đối với một cá nhân, tổ chức có nhiều hành vi vi phạm, mỗi hành vi vi phạm có mức xử phạt dưới 250.000 đồng đối với cá nhân và dưới 500.000 đồng đối với tổ chức nhưng tổng các mức phạt đối với các hành vi là trên 250.000 đồng đối với cá nhân và trên 500.000 đồng đối với tổ chức thì vẫn phải lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM