Hệ thống pháp luật

Thủ tục xử lý kỷ luật lao động dưới hình thức sa thải?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL37133

Câu hỏi:

Chào luật sư! Luật sư cho tôi hỏi: Tháng 5/2015, anh Minh vào làm việc tại công ty Y (công ty 100% vốn nước ngoài) có trụ sở tại quận 1 thành phố Hồ Chí Minh với HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm. Hết thời hạn hợp đồng, 2 bên không kí kết hợp đồng nhưng anh Minh vẫn tiếp tục làm việc cho công ty. Ngày 10/7/2015, công ty tiến hành họp xử lý kỉ luật anh Minh vì lý do anh đã tiết lộ bí mật kinh doanh của công ty. Anh Minh có tham dự phiên họp nhưng giữa buổi họp anh đã bỏ về vì bất đồng quan điểm với giám đốc công ty. Tuy nhiên cuộc họp vẫn được tiến hành theo thủ tục pháp luật quy định và có sự tham gia của chủ tịch công đoàn của công ty. Ngày 15/7/2015, Gíam đốc công ty Y đã ra quyết định số 24/QĐ sa thải anh Minh nhưng không trao đổi với Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký. Khi thanh toán quyền lợi, công ty không trả trợ cấp thôi việc cho anh Minh .Ngày 25/7/2015, anh Minh đã làm đơn gửi đến tòa án yêu cầu hủy quyết định sa thải, yêu cầu được trợ cấp thôi việc nhưng không yêu cầu quay trở lại làm việc. Cho tôi hỏi là: Quyết định sa thải của công ty đối với anh Minh có hợp pháp không? Tại sao? Cảm ơn luật sư!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật lao động 2012

– Nghị định 05/2015/NĐ-CP

2. Nội dung tư vấn

Sa thải là một trong những hình thức xử lý kỷ luật theo khoản 3 Điều 125 Bộ luật lao động 2012.

Nguyên tắc:

– Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

– Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

– Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;

– Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.

Trình tự xử lý kỷ luật:

– Người sử dụng lao động gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên cơ sở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở, người lao động, cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật của người lao động dưới 18 tuổi ít nhất 5 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp.

Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản và được thông qua các thành viên tham dự trước khi kết thúc cuộc họp. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần tham dự cuộc họp quy định tại Khoản 1 Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP và người lập biên bản. Trường hợp một trong các thành phần đã tham dự cuộc họp mà không ký vào biên bản thì phải ghi rõ lý do.

– Người giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 3 Nghị định 05/2015/NĐ-CP là người có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động. Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động chỉ có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động theo hình thức khiển trách.

– Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được ban hành trong thời hạn của thời hiệu xử lý kỷ luật lao động hoặc thời hạn kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động theo Điều 124 của Bộ luật lao động 2012, Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được gửi đến các thành phần tham dự phiên họp xử lý kỷ luật lao động.

Như thế, thông tin bạn đưa ra có hai vấn đề:

Thứ nhất, anh Minh có đến tham dự cuộc họp nhưng bỏ về giữa chừng.

Thứ hai, Giám đốc ra quyết định xử lý kỷ luật sa thải mà không trao đổi với ban chấp hành công đoàn cơ sở.

Đối với vấn đề thứ nhất, việc anh Minh có đến tham dự cuộc họp nhưng không đồng nhất được ý kiến với  phía công ty nên đã bỏ về. Tuy nhiên, yêu cầu kết thúc cuộc họp xử lý kỷ luật phải được lập thành biên bản và có chữ ký của các bên. Trường hợp này nếu không có được chữ ký của anh Minh thì người lập biên bản ghi rõ lý do về việc không có chữ ký của anh Minh. Nếu ghi rõ thì biên bản được coi là hợp pháp.

Căn cứ trả trợ cấp thôi việc? Bị sa thải có được trả trợ cấp thôi việc?

Đối với vấn đề thứ hai, sau cuộc họp giám đốc ra quyết định sa thải mà không cần phải thông qua việc trao đổi với ban chấp hành công đoàn cơ sở. Bởi lẽ, nội dung cuộc họp đã được diễn ra và lập thành biên bản. Ban chấp hành công đoàn đã trực tiếp trao đổi với giám đốc công ty và người lao động. Nên không cần trao đổi thêm lần nữa. Người sử dụng lao động chỉ có trách nhiệm gửi quyết định đến các thành phần tham dự phiên họp xử lý kỷ luật lao động.

Như vậy, quyết định sa thải của người sử dụng lao động là hợp pháp.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM