Hệ thống pháp luật

Thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL32574

Câu hỏi:

Chào luật sư! Gia đình tôi có 1 diện tích đất cho người đồng hương mượn làm nhà ở năm 1993 nhưng khi đòi lại không được tôi đã đề nghị Ủy ban nhân dân xã giải quyết cụ thể là năm 2004 hòa giải không thành nhưng họ cũng để găm ở ủy ban xã và yêu cầu mãi tới nay mới đem ra giải quyết tiếp. Trong quá trình buổi hòa giải tuy không thành nhưng khi làm lời kết văn bản ông phó chủ tịch đã đọc cho thư kí một số nội dung không nằm trong nội dung của buổi làm việc hôm nay mà là của nội dung năm 2004. Tôi phát hiện ra và yêu cầu sửa lại nhưng vị phó chủ tịch không sửa mà lớn tiếng tuyên bố hủy cho là tôi không tôn trọng. Điều đáng nói là nội dung này nó mâu thuẫn với nội dung hiện tại vị phó chủ tịch đem vào để làm phù hợp hóa cho họ. Vị phó chủ tịch không cho ai kí không thông qua văn bản mà bỏ về văn phòng tuyên bố không giải quyết nữa. Xin hỏi luật sư vậy bây giờ tôi phải làm sao trong tình huống này ạ? Cảm ơn luật sư!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Căn cứ Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai như sau:

Khi nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các công việc sau:

-Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;

– Thành lập hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải.

Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản, gồm có các nội dung:

Thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải;

Thành phần tham dự hòa giải;

Tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp (theo kết quả xác minh, tìm hiểu);

Ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai;

Những nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận.

Biên bản hòa giải phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng, các bên tranh chấp có mặt tại buổi hòa giải, các thành viên tham gia hòa giải và phải đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã; đồng thời phải được gửi ngay cho các bên tranh chấp và lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Như vậy, trong trường hợp này của bạn, biên bản giải quyết tranh chấp đất đai bao gồm nội dung mà các bên tranh chấp được ghi trong đề nghị giải quyết và được trình bày tại cuộc họp tại Ủy ban. Nếu  có thêm yêu cầu giải quyết tranh chấp và liên quan đến vụ việc của bạn thì bạn có thể yêu cầu thêm để Ủy ban nhân dân thực hiện hòa giải cho bạn.

Do vậy, việc nội dung biên bản mà Ủy ban nhân dân đưa ra chỉ nằm trong phạm vi nội dung cuộc họp năm 2004 là không đúng. Và biên bản không có chữ ký của các bên tranh chấp có mặt tại buổi hòa giải, các thành viên tham gia hòa giải là sai về tính hợp pháp của biên bản. Nếu như chủ tịch ủy ban nhân dân có thái độ như bạn nói và thực hiện thủ tục như trên thì bạn có quyền thực hiện khiếu nại đối với hành vi của chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. 

Nếu như khiếu nại của bạn không được giải quyết thì bạn có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính 2015 hoặc khiếu nại lần hai đến chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để được giải quyết. Trình tự giải quyết khiếu nại được thưc hiện theo khoản 1 Điều 7 Luật khiếu nại 2011:

1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Ủy ban nhân dân huyện có quyền thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?

Sau khi đảm bảo đúng thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân và kết quả hòa giải không thành thì bạn có quyền khởi kiện đến Tòa án nhân dân nơi có bất động sản để giải quyết theo Điều 203 Luật đất đai 2013.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM