Hệ thống pháp luật

Thủ tục giải quyết bồi thường trong tố tụng hình sự

Ngày gửi: 21/02/2019 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL40295

Câu hỏi:

Xin hỏi pháp luật quy định như thế nào về thủ tục giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, dân sự và hành chính?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Tỷ lệ các vụ án oan sai đang có xu hướng tăng khá nhanh trong những năm gần đây, điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm của những người bị án oan sai, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình của họ, gây hệ lụy xấu cho xã hội. Chính vì vậy, Quốc hội đã cho ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước 2009. Theo đó, thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự được quy định tại Mục 2, Chương II, Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước 2009.

Theo đó, cá nhân, tổ chức khi cho rằng mình bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra thì có quyền yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ (Điều 15, Khoản 1, Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước 2009) hay nói cách khác, khi các tổ chức, cá nhân nhận thấy rằng mình bị kết án sai, trái với quy định của pháp luật thì có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo quyết định hay hành vi trái pháp luật nói trên trong hoạt động tố tụng hình sự. Như vậy, khi nhận được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thuộc các trường hợp quy định tại Điều 13 của Luật này thì người bị thiệt hại gửi đơn yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường quy định tại Điều 14 của Luật này (Điều 16, Khoản 1, Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước 2009).

Để thực hiện thủ tục giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, tổ chức, cá nhân chịu thiệt hại phải chuẩn bị hồ sơ (Điều 16, Khoản 2, Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước 2009) bao gồm các giấy tờ sau:

a) Đơn yêu cầu bồi thường có các nội dung chính sau đây:

Tên, địa chỉ của người yêu cầu bồi thường;

Lý do yêu cầu bồi thường;

Thiệt hại và mức yêu cầu bồi thường.

b) Ngoài đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ còn phải gửi văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 024.6294.9155

Người bị thiệt hại gửi đơn yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường sau khi nhận được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ (Điều 15, Khoản 1, Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước 2009).

Sau khi  nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải kiểm tra và xác định tính hợp lệ của đơn và các giấy tờ kèm theo; trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn người bị thiệt hại bổ sung. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn và các giấy tờ hợp lệ, nếu cơ quan tiếp nhận hồ sơ xác định yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì cơ quan đã nhận hồ sơ phải thụ lý và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý đơn cho người bị thiệt hại; trường hợp yêu cầu bồi thường không thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì cơ quan đã tiếp nhận hồ sơ phải trả lại hồ sơ và hướng dẫn người bị thiệt hại gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết bồi thường.

Bước tiếp theo vô cùng quan trọng là xác minh thiệt hại. Căn cứ vào tính chất, nội dung của vụ việc, cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể tổ chức việc định giá tài sản, giám định thiệt hại về tài sản, giám định thiệt hại về sức khoẻ hoặc lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan về việc giải quyết bồi thường. Chi phí định giá, giám định được bảo đảm từ ngân sách nhà nước. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải hoàn thành việc xác minh thiệt hại để làm căn cứ xác định mức bồi thường; trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn xác minh thiệt hại có thể kéo dài nhưng không quá 40 ngày.

Sau khi xác minh thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tiến hành thương lượng thiệt hại trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại. Trong trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn thương lượng có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc việc thương lượng, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định giải quyết bồi thường.

Với những quy định trên của Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước 2009 sẽ góp phần xoa dịu phần nào những mất mát mà những cá nhân bị án oan sai và gia đình họ phải chịu.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM