Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 3 Thông tư 98/2020/TT-BTC hướng dẫn về hoạt động và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán do Bộ Tài chính ban hành

Mục 3. QUỸ MỞ

Điều 29. Tài khoản giao dịch của nhà đầu tư, tiểu khoản giao dịch của nhà đầu tư

1. Nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ tại đại lý phân phối. Nhà đầu tư được lựa chọn mở một trong hai loại tài khoản khi giao dịch chứng chỉ quỹ, bao gồm:

a) Tài khoản của nhà đầu tư (đứng tên nhà đầu tư);

b) Tiểu khoản giao dịch trên tài khoản ký danh đứng tên của đại lý ký danh (gọi tắt là tiểu khoản của nhà đầu tư).

2. Trước khi mở tài khoản cho nhà đầu tư, bao gồm cả tiểu khoản của nhà đầu tư, đại lý phân phối phải tổng hợp, thẩm định thông tin nhận biết nhà đầu tư, người được hưởng lợi (nếu có) và thông tin phòng chống rửa tiền theo các nội dung theo mẫu quy định tại Phụ lục XV ban hành kèm theo Thông tư này. Công ty quản lý quỹ, đại lý phân phối và tổ chức cung cấp dịch vụ có liên quan phải thiết lập hệ thống để quản lý, lưu trữ đầy đủ thông tin, dữ liệu về nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền và quy định pháp luật có liên quan.

3. Đại lý phân phối khi yêu cầu nhà đầu tư cung cấp thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều này, được quyết định gặp mặt trực tiếp hoặc không gặp mặt trực tiếp nhà đầu tư. Trường hợp không gặp mặt trực tiếp nhà đầu tư, công ty quản lý quỹ, đại lý phân phối phải đảm bảo có các biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết, thu thập đầy đủ thông tin và xác minh chính xác nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về chứng khoán, pháp luật về phòng chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật có liên quan về đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin nhà đầu tư. Trường hợp yêu cầu thông tin về nhà đầu tư không được đáp ứng, đại lý phân phối có quyền từ chối mở tài khoản, tiểu khoản cho nhà đầu tư.

4. Tài khoản của nhà đầu tư, tiểu khoản của nhà đầu tư phải gồm các nội dung sau:

a) Số tài khoản giao dịch/số tiểu khoản giao dịch;

b) Số lượng đơn vị quỹ;

c) Số lượng đơn vị quỹ tăng, giảm, lý do việc tăng, giảm;

d) Các thông tin cá nhân khác của nhà đầu tư bao gồm:

- Đối với cá nhân: họ và tên của nhà đầu tư; số Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác; địa chỉ liên lạc, số điện thoại liên lạc, địa chỉ email (nếu có);

- Đối với tổ chức: tên tổ chức, địa chỉ trụ sở chính, số Giấy phép thành lập và hoạt động, số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; họ và tên, số Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác; địa chỉ liên lạc, số điện thoại liên lạc, địa chỉ email (nếu có) của cá nhân được tổ chức ủy quyền giao dịch chứng chỉ quỹ.

5. Việc quản lý tài khoản của nhà đầu tư, tiểu khoản của nhà đầu tư phải bảo đảm nguyên tắc sau:

a) Công ty quản lý quỹ, đại lý phân phối, tổ chức cung cấp dịch vụ có liên quan phải mở, quản lý tài khoản độc lập, tách biệt tới từng đại lý ký danh và từng nhà đầu tư. Đại lý phân phối có trách nhiệm cập nhật thông tin về các hoạt động mở, đóng tài khoản của nhà đầu tư cho công ty quản lý quỹ, tổ chức cung cấp dịch vụ có liên quan;

b) Đại lý ký danh phải mở, quản lý tiểu khoản giao dịch độc lập, tách biệt tới từng nhà đầu tư. Tổng số dư trên các tiểu khoản phải khớp với số dư trên tài khoản ký danh, số dư trên từng tiểu khoản phải khớp với số liệu sở hữu chứng chỉ quỹ của từng nhà đầu tư đó tại sổ chính;

c) Đại lý ký danh phải cung cấp thông tin về tiểu khoản của từng nhà đầu tư cho công ty quản lý quỹ, tổ chức cung cấp dịch vụ có liên quan; thường xuyên đối chiếu, soát xét bảo đảm số dư trên tiểu khoản phù hợp với số liệu, thực trạng sở hữu của nhà đầu tư đó tại sổ chính.

6. Trước khi mở tài khoản, nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán theo quy định.

7. Đại lý phân phối, công ty quản lý quỹ, tổ chức cung cấp dịch vụ có liên quan phải cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác mã số giao dịch chứng khoán và trạng thái sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Điều 30. Quy định chung về giao dịch chứng chỉ quỹ

1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ có hiệu lực, công ty quản lý quỹ phải tổ chức giao dịch chứng chỉ quỹ cho nhà đầu tư. Hoạt động giao dịch phải được tổ chức định kỳ theo quy định tại Điều lệ quỹ và đã được công bố tại Bản cáo bạch, Bản cáo bạch tóm tắt. Tần suất giao dịch tối thiểu 02 lần trong 01 tháng.

2. Nhà đầu tư thực hiện giao dịch chứng chỉ quỹ tại các đại lý phân phối được công bố tại Bản cáo bạch, Bản cáo bạch tóm tắt hoặc trên trang thông tin điện tử của công ty quản lý quỹ. Công ty quản lý quỹ, đại lý phân phối, tổ chức cung cấp dịch vụ có liên quan phải thiết lập hệ thống tiếp nhận lệnh giao dịch bảo đảm nhà đầu tư có thể đặt lệnh giao dịch tại các đại lý phân phối.

3. Đại lý phân phối chỉ được nhận lệnh giao dịch của nhà đầu tư khi phiếu lệnh đã được điền chính xác và đầy đủ các thông tin theo mẫu quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư này. Phiếu lệnh phải được đại lý phân phối lưu trữ theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Đồng thời phải bảo đảm ghi nhận đầy đủ, chính xác, kịp thời và rõ ràng về thời điểm nhận lệnh, người nhận lệnh từ nhà đầu tư. Trường hợp lệnh nhận qua điện thoại, fax, lệnh giao dịch trực tuyến qua internet hoặc các phương tiện điện tử, đường truyền khác phải tuân thủ theo quy định về giao dịch điện tử và lưu trữ phiếu lệnh theo hình thức tệp dữ liệu điện tử.

4. Công ty quản lý quỹ, tổ chức cung cấp dịch vụ có liên quan chỉ thực hiện các lệnh nhận được trước thời điểm đóng sổ lệnh. Các lệnh nhận sau thời điểm đóng sổ lệnh bị hủy hoặc tiếp tục có giá trị để thực hiện tại ngày giao dịch chứng chỉ quỹ kế tiếp theo quy định tại Điều lệ quỹ và Bản cáo bạch.

5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày giao dịch chứng chỉ quỹ nhưng không quá ngày giao dịch chứng chỉ quỹ tiếp theo, công ty quản lý quỹ, đại lý phân phối, tổ chức cung cấp dịch vụ có liên quan, có trách nhiệm cập nhật đầy đủ thông tin về sở hữu sau giao dịch của nhà đầu tư tại sổ chính và gửi nhà đầu tư bản xác nhận giao dịch theo mẫu quy định tại Phụ lục XVII ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày giao dịch chứng chỉ quỹ (nhưng không quá thời điểm phân bổ kết quả giao dịch), nếu đại lý phân phối phát hiện lỗi giao dịch do nhầm lẫn, sai sót trong quá trình tổng hợp thông tin, nhận lệnh, chuyển, nhập lệnh vào hệ thống, đại lý phân phối phải thông báo cho công ty quản lý quỹ, tổ chức cung cấp dịch vụ có liên quan và yêu cầu sửa lỗi giao dịch. Quá thời hạn nêu trên, đại lý phân phối chịu trách nhiệm trước nhà đầu tư về các lỗi giao dịch.

7. Công ty quản lý quỹ, đại lý phân phối, tổ chức cung cấp dịch vụ có liên quan phải có sổ lệnh lưu trữ đầy đủ thông tin về các lệnh giao dịch chứng chỉ quỹ của nhà đầu tư theo mẫu quy định tại Phụ lục XVIII ban hành kèm theo Thông tư này. Đại lý phân phối có trách nhiệm cung cấp sao kê tài khoản, tiểu khoản theo yêu cầu của nhà đầu tư.

8. Trường hợp công ty quản lý quỹ có từ hai quỹ mở trở lên và có quy định tại Điều lệ các quỹ, Bản cáo bạch, nhà đầu tư được chuyển đổi quỹ. Lệnh chuyển đổi được thực hiện theo nguyên tắc sau:

a) Lệnh bán đối với chứng chỉ quỹ bị bán được thực hiện trước, sau đó mới thực hiện lệnh mua chứng chỉ của quỹ mục tiêu;

b) Các lệnh được thực hiện tại các ngày giao dịch chứng chỉ của các quỹ tương ứng;

c) Nhà đầu tư chỉ phải thanh toán giá dịch vụ chuyển đổi (nếu có) theo quy định tại Điều lệ quỹ, không phải thanh toán giá dịch vụ mua lại, giá dịch vụ phát hành đối với các lệnh thực hiện theo quy định tại điểm a, b khoản này.

Điều 31. Lệnh mua chứng chỉ quỹ

1. Việc thực hiện lệnh mua phải tuân thủ nguyên tắc sau:

a) Lệnh mua của nhà đầu tư phải gửi kèm các tài liệu hợp lệ xác nhận việc nhà đầu tư đã hoàn tất việc thanh toán vào tài khoản của quỹ hoặc ngân hàng giám sát xác nhận với công ty quản lý quỹ, đại lý phân phối hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ có liên quan đã nhận đầy đủ tiền mua chứng chỉ quỹ của nhà đầu tư, đại lý ký danh. Việc xác nhận hoàn tất việc thanh toán được thực hiện bằng văn bản, thư điện tử hoặc truy xuất thông qua hệ thống thông tin điện tử của ngân hàng giám sát đã được công ty quản lý quỹ chấp thuận;

b) Đại lý ký danh được thực hiện thanh toán trên cơ sở giá trị chênh lệch giữa lệnh mua và lệnh bán;

c) Nhà đầu tư thanh toán giao dịch mua chứng chỉ quỹ dưới hình thức chuyển khoản hoặc hình thức khác theo quy định tại Điều lệ quỹ và Bản cáo bạch. Tiền mua chứng chỉ quỹ phải chuyển trực tiếp vào tài khoản của quỹ tại ngân hàng giám sát theo quy định tại khoản 2 Điều này, không thanh toán vào tài khoản khác của đại lý phân phối;

d) Giá trị giao dịch của lệnh mua phải không nhỏ hơn giá trị mua tối thiểu (nếu có) quy định tại Điều lệ quỹ và Bản cáo bạch;

đ) Số lượng đơn vị quỹ bán cho nhà đầu tư hoặc đại lý ký danh có thể là số lẻ ở dạng thập phân, làm tròn tới số hạng thứ hai sau dấu phẩy.

2. Công ty quản lý quỹ mở tài khoản tiền của quỹ tại ngân hàng giám sát để nhận tiền thanh toán mua chứng chỉ quỹ của nhà đầu tư, đại lý ký danh. Đại lý ký danh mở tài khoản tiền gửi thanh toán giao dịch chứng chỉ quỹ mở tại ngân hàng giám sát theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 77 Thông tư này để nhận tiền gửi thanh toán giao dịch của nhà đầu tư giao dịch trên tài khoản ký danh.

3. Tiền mua chứng chỉ quỹ khi chuyển vào tài khoản tiền của quỹ tại ngân hàng giám sát được giải ngân để đầu tư ngay trong ngày giao dịch chứng chỉ quỹ. Ngân hàng giám sát có trách nhiệm thanh toán tiền lãi cho quỹ, với lãi suất tối thiểu bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn đang áp dụng, kể từ ngày quỹ nhận được tiền mua chứng chỉ quỹ từ nhà đầu tư.

4. Trường hợp lệnh mua chứng chỉ quỹ và việc thanh toán cho lệnh mua được thực hiện bởi cá nhân, tổ chức khác không phải là nhà đầu tư, phiếu lệnh và tài liệu xác nhận việc thanh toán phải nêu rõ tên, số tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ, số tiểu khoản giao dịch hoặc số Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giá trị thanh toán của nhà đầu tư.

Điều 32. Lệnh bán chứng chỉ quỹ

1. Việc thực hiện lệnh bán phải tuân thủ nguyên tắc sau:

a) Lệnh bán của nhà đầu tư chỉ được thực hiện khi nhà đầu tư, đại lý ký danh có đủ số lượng đơn vị quỹ để bán theo yêu cầu và số lượng đơn vị quỹ còn lại sau giao dịch của nhà đầu tư không thấp hơn số lượng tối thiểu (nếu có) để duy trì tài khoản, tiểu khoản quy định tại Điều lệ quỹ, Bản cáo bạch;

b) Lệnh bán có thể không thực hiện, hoặc chỉ được thực hiện một phần theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Thông tư này;

c) Thời hạn thanh toán thực hiện theo quy định tại Điều lệ quỹ và Bản cáo bạch nhưng không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày giao dịch chứng chỉ quỹ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 33 Thông tư này;

d) Tiền bán chứng chỉ quỹ được quỹ chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư, đại lý ký danh đã đăng ký hoặc tài khoản ngân hàng do nhà đầu tư chỉ định.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thanh toán theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, đại lý ký danh có trách nhiệm hoàn tất việc thanh toán cho nhà đầu tư.

3. Trường hợp Điều lệ quỹ, Bản cáo bạch có quy định, công ty quản lý quỹ được chuyển giao một phần danh mục đầu tư thay cho việc thanh toán bằng tiền cho nhà đầu tư. Việc chuyển giao danh mục đầu tư phải đảm bảo:

a) Chỉ thực hiện khi công ty quản lý quỹ xét thấy là cần thiết để không ảnh hưởng tiêu cực tới giá trị tài sản ròng của quỹ. Việc thực hiện phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Ban đại diện quỹ và phải báo cáo Đại hội nhà đầu tư gần nhất;

b) Được nhà đầu tư (bên nhận chuyển giao) chấp thuận bằng văn bản;

c) Chỉ thực hiện đối với lệnh bán có tổng giá trị thanh toán lớn hơn 50 tỷ đồng hoặc một giá trị khác lớn hơn theo quy định tại Điều lệ quỹ và Bản cáo bạch;

d) Cơ cấu danh mục chuyển giao cho nhà đầu tư phải hoàn toàn giống cơ cấu danh mục đầu tư của quỹ.

4. Ngân hàng giám sát có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận đảm bảo việc chuyển giao danh mục đầu tư phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 33. Mua lại một phần, tạm dừng giao dịch chứng chỉ quỹ mở

1. Công ty quản lý quỹ có quyền chỉ đáp ứng một phần lệnh bán, lệnh mua, lệnh chuyển đổi của nhà đầu tư khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

a) Tổng giá trị các lệnh bán (kể cả lệnh bán từ hoạt động chuyển đổi) trừ tổng giá trị các lệnh mua (kể cả lệnh mua từ hoạt động chuyển đổi) tại ngày giao dịch chứng chỉ quỹ lớn hơn 10% giá trị tài sản ròng của quỹ;

b) Việc thực hiện toàn bộ lệnh giao dịch của nhà đầu tư dẫn tới:

- Giá trị tài sản ròng của quỹ thấp hơn 50 tỷ đồng; hoặc

- Giá trị phần đơn vị quỹ hoặc số đơn vị quỹ còn lại trên tài khoản của nhà đầu tư thấp hơn giá trị tối thiểu hoặc số lượng đơn vị quỹ tối thiểu để duy trì tài khoản của nhà đầu tư theo quy định tại Điều lệ quỹ và Bản cáo bạch (nếu có); hoặc

- Giá trị tài sản ròng còn lại hoặc số đơn vị quỹ còn lại của quỹ thấp hơn giá trị tài sản ròng tối thiểu hoặc số đơn vị quỹ lưu hành tối thiểu đã được quy định tại Điều lệ quỹ và Bản cáo bạch (nếu có); hoặc

- Số lượng đơn vị quỹ lưu hành vượt quá khối lượng tối đa (nếu có) quy định tại Điều lệ quỹ và Bản cáo bạch.

c) Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ quỹ và Bản cáo bạch.

2. Trường hợp thực hiện một phần lệnh bán, lệnh mua, lệnh chuyển đổi theo quy định tại khoản 1 Điều này, theo quy định tại Điều lệ quỹ, Bản cáo bạch, công ty quản lý quỹ được áp dụng một trong hai nguyên tắc sau:

a) Nguyên tắc ưu tiên về thời gian: lệnh chuyển tới đại lý phân phối trước được thực hiện trước;

b) Nguyên tắc cùng một tỷ lệ: phần giá trị được thực hiện sẽ được phân bổ cho tất cả các nhà đầu tư đăng ký giao dịch theo cùng một tỷ lệ giữa giá trị thực hiện và giá trị đăng ký giao dịch.

3. Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, nếu Điều lệ quỹ và Bản cáo bạch có quy định, công ty quản lý quỹ được kéo dài thời hạn thanh toán tối đa 30 ngày sau khi được Ban đại diện quỹ chấp thuận, kể từ ngày giao dịch chứng chỉ quỹ.

4. Công ty quản lý quỹ có thể tạm dừng giao dịch chứng chỉ quỹ khi xảy ra một trong các sự kiện sau:

a) Công ty quản lý quỹ không thể thực hiện việc mua lại chứng chỉ quỹ theo yêu cầu do nguyên nhân bất khả kháng;

b) Công ty quản lý quỹ không thể xác định giá trị tài sản ròng của quỹ vào ngày định giá mua lại chứng chỉ quỹ do chứng khoán trong danh mục đầu tư của quỹ bị đình chỉ giao dịch theo quyết định của Sở giao dịch chứng khoán;

c) Các sự kiện khác do Điều lệ quỹ quy định hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy là cần thiết.

5. Công ty quản lý quỹ phải báo cáo Ban đại diện quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện quy định tại khoản 4 Điều này trừ trường hợp theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và phải tiếp tục thực hiện việc mua lại chứng chỉ quỹ mở ngay sau khi các sự kiện này chấm dứt.

6. Thời hạn tạm dừng giao dịch chứng chỉ quỹ thực hiện theo quy định tại Điều lệ quỹ nhưng không quá 90 ngày, kể từ ngày tạm dừng giao dịch chứng chỉ quỹ.

7. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn tạm dừng giao dịch chứng chỉ quỹ theo quy định tại khoản 6 Điều này, công ty quản lý quỹ phải tổ chức họp để lấy ý kiến Đại hội nhà đầu tư về việc giải thể quỹ hoặc tách quỹ hoặc tiếp tục kéo dài thời hạn tạm dừng giao dịch chứng chỉ quỹ.

8. Trong thời hạn triệu tập Đại hội nhà đầu tư, nếu các nguyên nhân dẫn tới việc tạm dừng giao dịch chứng chỉ quỹ chấm dứt, công ty quản lý quỹ được hủy bỏ việc triệu tập Đại hội nhà đầu tư.

Điều 34. Giá phát hành lần đầu, giá bán, giá mua lại đơn vị quỹ mở

1. Giá phát hành lần đầu của một đơn vị quỹ do công ty quản lý quỹ quy định tại Điều lệ quỹ và đã được công bố tại Bản cáo bạch.

2. Giá bán một đơn vị quỹ, là mức giá mà nhà đầu tư phải thanh toán cho công ty quản lý quỹ, bằng giá trị tài sản ròng trên một đơn vị quỹ tính tại ngày giao dịch chứng chỉ quỹ cộng với giá dịch vụ phát hành (nếu có).

3. Giá mua lại một đơn vị quỹ, là mức giá mà công ty quản lý quỹ phải thanh toán cho nhà đầu tư, được xác định bằng giá trị tài sản ròng trên một đơn vị quỹ tính tại ngày giao dịch chứng chỉ quỹ, trừ đi giá dịch vụ mua lại (nếu có).

4. Giá dịch vụ mua lại, giá dịch vụ phát hành, giá dịch vụ chuyển đổi có thể được quy định với các mức khác nhau, căn cứ vào thời hạn nắm giữ chứng chỉ quỹ, mục tiêu đầu tư hoặc giá trị khoản đầu tư. Các mức giá dịch vụ tối đa phải được quy định tại Điều lệ quỹ và Bản cáo bạch. Các mức giá dịch vụ cụ thể quy định tại Bản cáo bạch, Bản cáo bạch tóm tắt hoặc trên trang thông tin điện tử của công ty quản lý quỹ, đại lý phân phối. Giá dịch vụ phát hành tối đa 5% giá trị giao dịch. Giá dịch vụ mua lại, giá dịch vụ chuyển đổi tối đa 3% giá trị giao dịch.

5. Việc tăng các mức giá dịch vụ chỉ được thực hiện khi mức giá dịch vụ sau khi tăng không vượt quá các mức quy định tại khoản 4 Điều này. Thời điểm áp dụng mức giá dịch vụ mới tăng sớm nhất là sau 60 ngày kể từ ngày công ty quản lý quỹ công bố về các mức giá dịch vụ mới trên trang thông tin điện tử của công ty.

Điều 35. Danh mục và hạn mức đầu tư của quỹ mở, quỹ chỉ số

1. Danh mục đầu tư của quỹ phải phù hợp với mục tiêu và chính sách đầu tư đã được quy định tại Điều lệ quỹ và công bố tại Bản cáo bạch.

2. Các loại tài sản mà quỹ được đầu tư bao gồm:

a) Tiền gửi các ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật ngân hàng;

b) Công cụ thị trường tiền tệ bao gồm giấy tờ có giá, công cụ chuyển nhượng theo quy định của pháp luật;

c) Công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương;

d) Cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu đăng ký giao dịch, trái phiếu niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, chứng chỉ quỹ đại chúng;

đ) Cổ phiếu chào bán lần đầu ra công chúng, trái phiếu chào bán ra công chúng; trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bởi tổ chức niêm yết có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng hoặc cam kết mua lại của tổ chức phát hành tối thiểu 1 lần trong 12 tháng và mỗi lần cam kết mua lại tối thiểu 30% giá trị đợt phát hành;

e) Chứng khoán phái sinh niêm yết giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán và chỉ nhằm mục tiêu phòng ngừa rủi ro cho chứng khoán cơ sở mà quỹ đang nắm giữ;

g) Quyền phát sinh gắn liền với chứng khoán mà quỹ đang nắm giữ.

3. Việc đầu tư vào các tài sản quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có quy định tại Điều lệ quỹ và Bản cáo bạch;

b) Đã được Ban đại diện quỹ chấp thuận bằng văn bản về loại, mã chứng khoán, số lượng, giá trị giao dịch, thời điểm thực hiện;

c) Có đủ tài liệu chứng minh về bảo lãnh thanh toán hoặc tài liệu về cam kết mua lại của tổ chức phát hành.

4. Cơ cấu danh mục đầu tư của quỹ mở phải bảo đảm các hạn mức đầu tư sau:

a) Trừ tiền gửi trên tài khoản thanh toán của quỹ tại ngân hàng giám sát, quỹ mở không được đầu tư quá 49% tổng giá trị tài sản của quỹ vào các tài sản theo quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này. Quy định này không áp dụng đối với quỹ trái phiếu;

b) Không được đầu tư vào chứng khoán của một tổ chức phát hành quá 10% tổng giá trị chứng khoán đang lưu hành của tổ chức đó, trừ công cụ nợ của Chính phủ;

c) Không được đầu tư quá 20% tổng giá trị tài sản của quỹ vào chứng khoán đang lưu hành và các tài sản (nếu có) quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này của một tổ chức phát hành, trừ công cụ nợ của Chính phủ;

d) Không được đầu tư quá 30% tổng giá trị tài sản của quỹ vào các tài sản quy định tại điểm a, b, d, đ và e khoản 2 Điều này, phát hành bởi các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu với nhau thuộc các trường hợp sau đây: công ty mẹ, công ty con; các công ty sở hữu trên 35% cổ phần, phần vốn góp của nhau; nhóm công ty con có cùng một công ty mẹ. Trong đó phần đầu tư vào chứng khoán phái sinh tính bằng giá trị cam kết của hợp đồng xác định theo quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này;

đ) Không được đầu tư quá 10% tổng giá trị tài sản của quỹ vào các tài sản quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này;

e) Tổng giá trị các hạng mục đầu tư lớn trong danh mục đầu tư của quỹ không được vượt quá 40% tổng giá trị tài sản của quỹ, trừ trường hợp quỹ trái phiếu. Trong đó, hạng mục đầu tư lớn của quỹ là hạng mục đầu tư vào các loại tài sản quy định tại điểm b, d, đ và g khoản 2 Điều này (ngoại trừ chứng chỉ tiền gửi) phát hành bởi cùng một tổ chức, có tổng giá trị chiếm từ 5% trở lên tổng giá trị tài sản của quỹ;

g) Tại mọi thời điểm, tổng giá trị cam kết trong các giao dịch chứng khoán phái sinh, dư nợ vay và các khoản phải trả của quỹ không được vượt quá giá trị tài sản ròng của quỹ;

h) Không được đầu tư vào chứng chỉ quỹ của chính quỹ đó;

i) Chỉ được đầu tư vào chứng chỉ quỹ đại chúng khác, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng do công ty quản lý quỹ khác quản lý và bảo đảm các hạn chế sau:

- Không đầu tư vào quá 10% tổng số chứng chỉ quỹ đang lưu hành của một quỹ đại chúng, cổ phiếu đang lưu hành của một công ty đầu tư chứng khoán đại chúng;

- Không đầu tư quá 20% tổng giá trị tài sản của quỹ vào chứng chỉ quỹ của một quỹ đại chúng, cổ phiếu của một công ty đầu tư chứng khoán đại chúng;

- Không đầu tư quá 30% tổng giá trị tài sản của quỹ vào các chứng chỉ quỹ đại chúng, cổ phiếu công ty đầu tư chứng khoán đại chúng;

k) Không được đầu tư trực tiếp vào bất động sản, đá quý, kim loại quý hiếm;

l) Phải có chứng khoán của ít nhất 06 tổ chức phát hành, trừ trường hợp quỹ trái phiếu.

5. Cơ cấu đầu tư của quỹ mở chỉ được vượt mức so với các hạn chế đầu tư đã quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e và i khoản 4 Điều này và chỉ do các nguyên nhân sau:

a) Biến động giá trên thị trường của tài sản trong danh mục đầu tư của quỹ;

b) Thực hiện các khoản thanh toán của quỹ theo quy định của pháp luật, bao gồm việc thực hiện lệnh giao dịch của nhà đầu tư;

c) Hoạt động chia, tách, hợp nhất, sáp nhập các tổ chức phát hành;

d) Quỹ mới được cấp phép thành lập hoặc do tách quỹ, hợp nhất quỹ, sáp nhập quỹ mà thời gian hoạt động chưa quá 06 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ điều chỉnh;

đ) Quỹ đang trong thời gian giải thể.

6. Công ty quản lý có nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin và điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư của quỹ theo các quy định tại khoản 6, 7, 8 Điều 24 Thông tư này.

7. Công ty quản lý quỹ chỉ được gửi tiền và đầu tư công cụ thị trường tiền tệ quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này của các tổ chức tín dụng trong danh sách đã được Ban đại diện quỹ phê duyệt.

8. Quỹ mở thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo quy định tại khoản 9 Điều 24 Thông tư này.

9. Hoạt động vay, cho vay, giao dịch mua bán lại, giao dịch ký quỹ, bán khống của quỹ thực hiện theo quy định tại Điều 25 Thông tư này.

10. Quỹ chỉ số phải tuân thủ nghĩa vụ về công bố thông tin quy định tại khoản 2 Điều 49 Thông tư này. Trong đó, mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu được xác định theo Phụ lục XIX ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp mức sai lệch nêu trên vượt quá hạn mức tối đa đã được quy định tại Điều lệ quỹ, công ty quản lý quỹ có trách nhiệm công bố lý do, tạm dừng giao dịch chứng chỉ quỹ hoặc điều chỉnh lại danh mục đầu tư để khắc phục tình trạng đó theo quy định tại Điều lệ quỹ.

Điều 36. Đền bù thiệt hại cho quỹ, nhà đầu tư

1. Công ty quản lý quỹ phải đền bù thiệt hại cho quỹ, nhà đầu tư giao dịch chứng chỉ quỹ khi định giá sai giá trị tài sản ròng của quỹ, với các mức sai lệnh như sau:

a) Đạt từ 0,75% giá trị tài sản ròng trở lên đối với quỹ trái phiếu;

b) Đạt từ 1% giá trị tài sản ròng trở lên đối với các quỹ khác.

2. Công ty quản lý quỹ phải xây dựng phương án khắc phục, đền bù thiệt hại cho quỹ, nhà đầu tư theo trình tự sau:

a) Xác định lại giá trị tài sản ròng tại các kỳ định giá sai vượt mức;

b) Xác định các khoản đền bù cho quỹ, nhà đầu tư tại các kỳ định giá sai. Công ty quản lý quỹ không phải đền bù cho những nhà đầu tư thiệt hại ít hơn 100.000 đồng (hoặc một giá trị khác nhỏ hơn do Điều lệ quỹ quy định) nhưng toàn bộ khoản tiền thanh toán của công ty quản lý quỹ phải được đưa vào quỹ, trừ trường hợp Đại hội nhà đầu tư quyết định khác;

c) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày định giá lại giá trị tài sản ròng, công ty quản lý quỹ phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về phương án đền bù thiệt hại cho quỹ, nhà đầu tư. Phương án đền bù thiệt hại phải nêu rõ nguyên nhân xảy ra sự việc, thời gian quỹ bị định giá sai, mức độ thiệt hại của quỹ, nhà đầu tư, kèm theo danh sách, mức đền bù của từng nhà đầu tư;

d) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, công ty quản lý quỹ phải tiến hành các thủ tục đền bù cho quỹ và nhà đầu tư.

3. Trong trường hợp quỹ bị định giá thấp, mức đền bù cho quỹ và cho nhà đầu tư được xác định như sau:

a) Đối với nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ trước thời gian quỹ bị định giá sai và đã bán chứng chỉ quỹ trong thời gian quỹ bị định giá sai: mức đền bù được xác định dựa trên mức độ sai sót và số lượng đơn vị quỹ nhà đầu tư đã bán;

b) Đối với quỹ: mức đền bù được xác định dựa trên mức độ sai sót và số lượng đơn vị quỹ mà quỹ đã phát hành trong thời gian bị định giá sai và hiện vẫn còn đang lưu hành.

4. Trong trường hợp quỹ bị định giá cao, mức đền bù cho quỹ và cho nhà đầu tư được xác định như sau:

a) Đối với nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ trong thời gian quỹ bị định giá sai và tiếp tục sở hữu sau thời gian quỹ bị định giá sai: mức đền bù được xác định dựa trên mức độ sai sót và số lượng đơn vị quỹ nhà đầu tư đã mua và còn tiếp tục nắm giữ sau thời gian bị định giá sai;

b) Đối với quỹ: mức đền bù được xác định dựa trên mức độ sai sót và số lượng đơn vị quỹ mà quỹ đã phát hành ra trước thời gian quỹ bị định giá sai và quỹ đã mua lại trong thời gian đó.

5. Công ty quản lý quỹ phải chịu mọi chi phí đền bù cho quỹ và nhà đầu tư. Trường hợp Điều lệ quỹ có quy định và Đại hội nhà đầu tư chấp thuận, chi phí đền bù cho nhà đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 3, điểm a khoản 4 Điều này được hạch toán vào quỹ.

6. Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm đền bù các thiệt hại gây ra cho quỹ trong các trường hợp:

a) Không tuân thủ chính sách đầu tư, đầu tư vào các tài sản bị hạn chế theo quy định pháp luật và Điều lệ quỹ;

b) Sử dụng vốn vay trái mục đích, không phù hợp với quy định của pháp luật; hoặc vay vượt quá các hạn mức vay đã được quy định tại Điều lệ quỹ, quy định của pháp luật;

c) Đầu tư vượt các hạn chế đầu tư, trừ các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 35 Thông tư này.

7. Mức đền bù cho quỹ trong các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này được xác định trên cơ sở thiệt hại phát sinh từ phần đầu tư trái quy định, vượt hạn mức, chi phí vay. Trường hợp các hoạt động đầu tư, kinh doanh nêu trên có phát sinh lợi nhuận phải hạch toán toàn bộ lợi nhuận vào cho quỹ.

8. Việc thanh toán các khoản đền bù cho quỹ, nhà đầu tư theo quy định tại khoản 1, khoản 6 Điều này được thực hiện thông qua ngân hàng giám sát. Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm xây dựng cơ chế phối hợp thanh toán với ngân hàng giám sát để kịp thời ra các chỉ thị thanh toán cho nhà đầu tư và quỹ.

9. Việc bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư và quỹ phải được công ty quản lý quỹ báo cáo tại báo cáo hoạt động hằng năm của quỹ theo quy định tại khoản 2 Điều 79 Thông tư này, trong đó nêu rõ nguyên nhân, lý do, mức độ ảnh hưởng, số lượng nhà đầu tư có quyền lợi bị ảnh hưởng đã được đền bù, mức đền bù cho mỗi nhà đầu tư, mức đền bù cho quỹ, hình thức đền bù, phương thức thanh toán và các hoạt động khắc phục khác (nếu có).

Điều 37. Phân phối lợi nhuận, chi phí của quỹ

1. Quỹ thực hiện phân phối lợi nhuận cho các nhà đầu tư theo các quy định tại Điều 7 Thông tư này.

2. Trường hợp có quy định tại Điều lệ quỹ và Bản cáo bạch, công ty quản lý quỹ được phân chia tài sản của quỹ cho nhà đầu tư nhiều hơn lợi nhuận đã thực hiện, nhưng phải bảo đảm giá trị tài sản ròng của quỹ sau khi thực hiện không được thấp hơn 50 tỷ đồng. Kế hoạch, lộ trình thực hiện, quy mô tài sản phân chia, nguồn vốn thực hiện phải được Đại hội nhà đầu tư chấp thuận.

3. Chi phí của quỹ:

a) Các khoản chi phí theo quy định tại Điều 8 Thông tư này; xác nhận giao dịch, sao kê tài khoản và các tài liệu khác cho nhà đầu tư;

b) Chi phí dịch vụ quản trị quỹ, chi phí dịch vụ đại lý chuyển nhượng và các chi phí hợp lệ khác mà công ty quản lý quỹ trả cho tổ chức cung cấp dịch vụ có liên quan;.

4. Giá dịch vụ môi giới, giá dịch vụ chuyển nhượng các giao dịch tài sản của quỹ phải trả cho công ty chứng khoán không bao gồm bất kỳ một loại giá dịch vụ nào khác, kể cả đó là giá dịch vụ trả cho dịch vụ khác hoặc giá dịch vụ trả cho bên thứ ba (chi phí ngầm).

5. Công ty quản lý quỹ và đại lý phân phối chịu trách nhiệm thanh toán chi phí in ấn, phát hành các ấn phẩm quảng cáo, thông tin về sản phẩm quỹ.

Điều 38. Chia, tách quỹ mở

1. Tối thiểu 30 ngày trước ngày họp Đại hội nhà đầu tư, công ty quản lý quỹ phải cung cấp cho nhà đầu tư các tài liệu liên quan tới việc chia, tách quỹ bao gồm:

a) Phương án chia, tách quỹ;

b) Dự thảo Điều lệ các quỹ hình thành sau khi chia, tách.

2. Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm thay mặt quỹ hoàn trả đầy đủ tất cả các khoản nợ, thực hiện các nghĩa vụ tài chính của quỹ trước khi chia, tách quỹ.

3. Ngày chia, tách quỹ là ngày Đại hội nhà đầu tư thông qua quyết định chia, tách quỹ. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định chấp thuận chia, tách quỹ, ngân hàng giám sát và các tổ chức cung cấp dịch vụ có liên quan có trách nhiệm chia, tách danh mục đầu tư của quỹ và thực hiện các thủ tục đăng ký sở hữu các tài sản cho các quỹ mới hình thành sau chia, tách theo quy định của pháp luật.

4. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ của các quỹ hình thành sau chia, tách có hiệu lực, công ty quản lý quỹ, tổ chức cung cấp dịch vụ có liên quan, đại lý ký danh có trách nhiệm:

a) Hoàn tất việc lập sổ chính, sổ phụ của các quỹ mới hình thành sau khi chia, tách;

b) Xác định giá trị tài sản ròng quỹ, giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ sau chia, tách;

c) Xác nhận quyền sở hữu chứng chỉ quỹ từng nhà đầu tư sau chia, tách;

d) Công bố thông tin về việc chia, tách quỹ theo quy định của pháp luật.

Điều 39. Hợp nhất, sáp nhập quỹ

1. Việc hợp nhất, sáp nhập quỹ thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư này.

2. Công ty quản lý quỹ được tạm dừng giao dịch chứng chỉ quỹ trong thời hạn 30 ngày để hoàn tất việc hợp nhất, sáp nhập, trừ trường hợp mua lại hoặc chuyển đổi chứng chỉ quỹ cho nhà đầu tư phản đối việc hợp nhất, sáp nhập.

3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ của quỹ hình thành sau hợp nhất, sáp nhập có hiệu lực, công ty quản lý quỹ có trách nhiệm tiếp nhận và thực hiện các lệnh bán, lệnh mua, lệnh chuyển đổi của quỹ hợp nhất, quỹ nhận sáp nhập.

Điều 40. Giải thể quỹ

1. Việc giải thể quỹ thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.

2. Công ty quản lý quỹ, tổ chức cung cấp dịch vụ có liên quan không được tổ chức các chương trình quảng cáo, thông tin về quỹ để tiếp nhận, thực hiện các lệnh mua, lệnh bán, lệnh chuyển đổi chứng chỉ quỹ, kể từ ngày quỹ buộc phải giải thể.

Thông tư 98/2020/TT-BTC hướng dẫn về hoạt động và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 98/2020/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/11/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Huỳnh Quang Hải
  • Ngày công báo: 12/03/2021
  • Số công báo: Từ số 439 đến số 440
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH