Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 65/2009/TT-BNNPTNT hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Chương IV

PHÂN CẤP QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

Điều 14. Căn cứ phân cấp

1.Căn cứ quy định tại Điều 6, Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi.

2. Căn cứ quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định về việc phân cấp quản lý, khai thác, vận hành và bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh.

3. Công trình, hệ thống công trình thuỷ lợi thuộc cấp nào, cấp đó quyết định mô hình tổ chức, phương thức quản lý theo quy định của Thông tư này và các quy định hiện hành của pháp luật, đảm bảo an toàn, phát huy cao nhất hiệu quả công trình.

Điều 15. Điều kiện thực hiện phân cấp

1. Các tổ chức, cá nhân được phân cấp quản lý, khai thác công trình, hệ thống công trình thuỷ lợi phải đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Phân cấp quản lý công trình thuỷ lợi thực hiện đồng thời hoặc sau khi Tổ chức hợp tác dùng nước được củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực. Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương và người dân trong việc tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ, nhằm phát huy hiệu quả công trình thuỷ lợi.

3. Tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thuỷ lợi được hưởng đầy đủ các quyền lợi và thực hiện các nghĩa vụ trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 16. Tiêu chí phân cấp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi

Các công trình, hệ thống công trình thủy lợi không lớn, có đặc điểm, tính chất kỹ thuật đơn giản, quy mô như tiêu chí dưới đây có thể được phân cấp cho Tổ chức hợp tác dùng nước, hộ gia đình, cá nhân quản lý để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công trình:

Các công trình đầu mối độc lập, gồm các loại hình sau:

a) Hồ chứa:

Hồ chứa có dung tích chứa từ 1.000.000m3 nước trở xuống, hoặc từ 500.000m3 trở xuống (đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa); hoặc có chiều cao đập từ 12m trở xuống, phục vụ trong phạm vi xã hoặc cấp hành chính tương đương.

b) Đập dâng:

Đập dâng có chiều cao đập từ 10m trở xuống, có quy mô tưới trong phạm vi xã hoặc cấp hành chính tương đương.

c) Trạm bơm điện: phục vụ trong phạm vi xã hoặc cấp hành chính tương đương, có diện tích tưới, tiêu thiết kế không nên vượt quá:

- Vùng miền núi cả nước: 100 ha.

- Đồng bằng sông Hồng: 300 ha.

- Đồng bằng sông Cửu Long: 500 ha.

- Các vùng khác: 200 ha.

2. Đối với công trình, kênh mương thuộc hệ thống công trình thuỷ lợi đầu mối do doanh nghiệp quản lý, khai thác và bảo vệ:

Các công trình, kênh mương thuộc hệ thống công trình thuỷ lợi lớn do doanh nghiệp quản lý, khai thác và bảo vệ, có thể xem xét phân cấp cho các Tổ chức hợp tác dùng nước, hộ gia đình, cá nhân quản lý nhưng có diện tích không nên vượt 500 ha.

3. Đối với các công trình đầu mối là các cống ngăn mặn, giữ ngọt, cống dưới đê: Tuỳ theo điều kiện thực tế để giao nhiệm vụ quản lý, vận hành, đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật Đê điều và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đê điều.

Điều 17. Thực hiện phân cấp

1. Đối với các loại hình công trình đầu mối khác, được áp dụng các tiêu chí của các loại công trình đầu mối tương tự đã được quy định tại Điều 16 thông tư này và theo điều kiện thực tế ở địa phương để thực hiện phân cấp.

2. Đối với các công trình thuỷ lợi hiện đang do các tổ chức chưa đủ tư cách pháp nhân quản lý, khai thác và bảo vệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho doanh nghiệp đang quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn quản lý chung và cấp kinh phí phải thông qua doanh nghiệp trên cơ sở hợp đồng giao khoán với doanh nghiệp.

3. Trên cơ sở các tiêu chí quy định tại Thông tư này, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng triển khai thực hiện, đảm bảo an toàn, phát huy cao nhất hiệu quả của công trình, hệ thống công trình thuỷ lợi.

Điều 18. Xác định cống đầu kênh

1. Cống đầu kênh được quy định theo diện tích tưới, tiêu thiết kế đối với từng vùng như sau:

a) Miền núi cả nước: nhỏ hơn hoặc bằng 50ha.

b) Đồng bằng sông Hồng: nhỏ hơn hoặc bằng 250 ha.

c) Miền Trung du, duyên hải miền Trung, Tây nguyên và Đông Nam bộ: nhỏ hơn hoặc bằng 200 ha.

d) Đồng bằng sông Cửu Long: nhỏ hơn hoặc bằng 400 ha.

2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định cụ thể quy mô cống đầu kênh và mức trần phí dịch vụ thuỷ nông nội đồng, để chi trả công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình thuộc phạm vi của Tổ chức hợp tác dùng nước quản lý, nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc tiết kiệm nước, bảo vệ công trình thuỷ lợi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài chính của tỉnh điều tra, tính toán mức chi phí thực tế của Tổ chức hợp tác dùng nước, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định mức trần phí dịch vụ thuỷ nông nội đồng của toàn tỉnh.

3. Tổ chức hợp tác dùng nước, hộ gia đình, cá nhân quản lý công trình, kênh mương có quy mô diện tích phục vụ lớn hơn quy mô cống đầu kênh theo quy định cụ thể của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, được cấp một phần kinh phí từ nguồn cấp bù thuỷ lợi phí của Nhà nước. Tỷ lệ và mức trích cụ thể theo thoả thuận giữa công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi đầu mối với Tổ chức hợp tác dùng nước trên cơ sở khối lượng, nội dung công việc thực hiện và diện tích thực tế vượt mức quy định.

Thông tư 65/2009/TT-BNNPTNT hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 65/2009/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/10/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đào Xuân Học
  • Ngày công báo: 26/10/2009
  • Số công báo: Từ số 487 đến số 488
  • Ngày hiệu lực: 26/11/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH