Hệ thống pháp luật

Thời hạn xử lý vật chứng?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL41110

Câu hỏi:

Chào luật sư! Luật sư cho tôi hỏi: Tôi bị cơ quan công an thu giữ tang vật (điện thoại và giấy CMND) để điều tra trong vụ án hành nghề mại dâm. Xin hỏi nếu thu giữ tang vật để điều tra mà không cho tôi bất cứ biên bản giấy tờ thu giữ là đúng hay sai và làm thế nào để xin trả lại tài sản. Lúc thu giữ tài sản tôi có hỏi đến biên bản thu giữ tang vật và cơ quan công an trả lời 5 ngày sau sẻ trả lại ,đến hẹn tôi đến thì người thu giữ và điều tra tôi tra lời đang điều tra hồ sơ vụ án chưa xong nên chưa giải quết tài sản tang vật. Đến nay vụ án đã xong xuôi ,những ngừời chủ quán nơi tôi làm việc cũng đã điều tra xong hết, 3 tháng trôi qua tôi đợi chờ cơ quan công an gọi lên nhận lại tài sản và giấy CMND đế tìm 1 công việc đàng hoàng đi làm. Đến nay cơ quan công an thu giữ tài sản vẫn chưa gọi hay liên lạc gì? Tôi phải làm thế nào? Cảm ơn luật sư!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Chứng cứ theo khoản 1 Điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.

Chứng cứ được xác định dưới hình thức:

Vật chứng;

Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ,bị can, bị cáo;

Kết luận giám định;

Trong trường hợp này, tài sản khác (như điện thoại) được xác định là vật chứng. Việc thu thập vật chứng phải đảm bảo theo nguyên tắc quy định tại Điều 75 Bộ luật tố tụng hình sự 2003, và trình tự, thủ tục theo Chương XII Bộ luật tố tụng hình sự 2003:

Vật chứng cần được thu thập kịp thời, đầy đủ, được mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án.

Vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn và hư hỏng. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản.

Khi tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án khi khám xét phải được lập thành biên bản. Một bản giao cho người chủ đồ vật, tài liệu; một bản đưa vào hồ sơ vụ án; một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản giao cho cơ quan quản lý đồ vật, tài liệu bị tạm giữ.

Như thế, trong trường hợp này của bạn, việc cơ quan điều tra khi tạm giữ tài sản và chứng minh nhân dân của bạn mà không lập biên bản là không đúng thủ tục. Bạn có quyền khiếu nại về vấn đề này đến thủ trưởng cơ quan điều tra nơi tạm giữ đồ vật, tài liệu của bạn.

Đối với việc xử lý vật chứng. Theo Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 thì:

 Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Toà án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

Với từng vật chứng cụ thể có những cách xử lý khác nhau:

Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội thì bị tịch thu, sung quỹ nhà nước hoặc tiêu hủy;

Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu công quỹ nhà nước;

Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản bị người phạm tội sử dụng làm công cụ, phương tiện  phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp.

Như vậy, cơ quan điều tra trả lại tài sản cho bạn hay không phụ thuộc vào việc tài sản đó còn ảnh hưởng đến vụ án hay không, có rơi vào trường hợp bị tịch thu sung công quỹ nhà nước hay tiêu hủy hay không. Nếu không rơi vào trường hợp trên, cơ quan điều tra sẽ thực hiện trả lại tài sản cho bạn.

Quy định về thẩm quyền, kinh phí, nơi bảo quản phương tiện vi phạm

Đối với chứng minh nhân dân của bạn thì nếu như việc giữ chứng minh nhân dân theo Điều 10 Nghị định 05/1999/NĐ-CP, khoản 3 Điều 1 Nghị định 106/2013/NĐ-CP như sau:

– Có hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật phải bị tạm giữ Chứng minh nhân dân;

– Bị tạm giam, thi hành án phạt tù tại trại giam; chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng,cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở khám bệnh bắt buộc.

Công dân được nhận lại Chứng minh nhân dân khi chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm hành chính; hết thời hạn tạm giam, chấp hành xong án phạt tù; chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở chữa bệnh bắt buộc. 

Như vậy, bạn sẽ được nhận lại chứng minh nhân dân khi chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm hành chính hoặc chấp hành xong thời hạn tạm giam, án phạt tù (nếu có).

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM