Hệ thống pháp luật

Thời hạn tố tụng dân sự

Ngày gửi: 13/09/2018 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL15232

Câu hỏi:

Thời hạn tố tụng dân sự. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng... đều phải tiến hành tố tụng trong thời gian nhất định.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Việc giải quyết các vụ việc dân sự tiến hành nhanh chóng sẽ sớm giải quyết được tranh chấp, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Để thực hiện được điều này thì mỗi hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc các cá nhân, tổ chức, cơ quan liên quan đều phải tiến hành tố tụng trong một khoảng thời gian nhất định. Khoảng thời gian này được gọi là thời hạn tố tụng.

Khái niệm:

Thời hạn tố tụng dân sự là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác để người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện hành vi theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Phân loại:

Các loại thời hạn tố tụng gồm có: thời hạn giao nộp chứng cứ; thời hạn xem xét đơn khởi kiện; chuẩn bị xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm; thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo bản án, quyết định của tòa án; thời hạn cấp, tống đạt và thông báo các văn bản tố tụng; thời hạn khiếu nại; giải quyết khiếu nại trong tố tụng dân sự…Để bảo đảm được việc giải quyết các vụ án dân sự, các thời hạn tố tụng nói chung đều được pháp luật quy định cụ thể. Ngoài ra, thời hạn cũng được các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng ấn định trong khuôn khổ quy định của pháp luật tố tụng khi cần thiết như thời hạn giao nộp chứng cứ, thời hạn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện…

Cách tính thời hạn:

– Thời hạn tố tụng có thể xác định bằng giờ, ngày, tháng, năm hoặc bằng một sự  kiện có thể xảy ra. Cách tính thời hạn tố tụng, quy định về thời hạn tố tụng, thời điểm bắt đầu, kết thúc thời hạn tố tụng được Điều 158 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 quy định áp dụng theo các quy định tương ứng trong Bộ luật Dân sự 2005. Thời hạn tố tụng được tính theo dương lịch như thời hạn quy định trong Bộ Luật Dân sự 2005. Trong trường hợp thời hạn là một năm, nửa năm , một tháng, nửa tháng, một tuần, một ngày , một giờ mà khoảng thời gian diễn ra không liền nhau thì 1 năm là 365 ngày, nửa năm là 6 tháng, một tháng là 30 ngày, nửa tháng là 15 ngày, một tuần là 7 ngày, một ngày là 24 giờ…

– Đối với thời điểm bắt đầu thời hạn, khi thời hạn được tính bằng giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định; khi thời hạn được tính bằng ngày, tuần, tháng, năm  thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo của ngày được xác định; khi thời hạn tính bằng sự kiện thì thời hạn không tính từ ngày xảy ra sự kiện mà tính từ ngày tiếp theo ngày xảy ra sự kiện.

– Đối với thời điểm kết thúc thời hạn, nếu thời hạn được tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn; khi thời hạn tính bằng tuần thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tuần cuối cùng của thời hạn; khi thời hạn tính bằng tháng thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng của thời hạn; khi thời hạn tính bằng năm thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm cuối cùng của thời hạn.

– Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày chủ nhật hoặc là ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó…

Ý nghĩa:

Việc xác định thời hạn tố tụng là rất cần thiết. Một mặt nó có tác dụng nâng cao tránh nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người liên quan trong việc thực hiện các quyền và các nghĩa vụ tố tụng của họ làm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự. Mặt khác nó còn xác định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng , người tham gia tố tụng và người liên quan trong trường hợp họ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ và quyền hạn của họ trong thời hạn tố tụng cụ thể.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM