Hệ thống pháp luật

Tạm giữ phương tiện khi tai nạn giao thông

Ngày gửi: 25/12/2020 lúc 12:16:13

Tên đầy đủ: Phạm Thái Linh
Số điện thoại: 0984424xxx
Email: thailinhphaxxx@gmail.com

Mã số: HTPL42610

Câu hỏi:

Tôi gây ra tai nạn giao thông,chỉ có thiệt hại về tài sản(ôtô của tôi đâm vào 1 xe lu đang lưu thông trên đường). Quá trình làm việc với công an tôi đã nhận toàn bộ lỗi và chấp nhận bồi thường thiệt hại cho bị hại.Do không thỏa thuận được với bị hại(không xác định được thiệt hại) nên tôi yêu cầu phía công an trưng cầu giám định. Hiện nay xe của tôi bị tạm giữ,vậy xin HTPL tư vấn cho tôi:

1.Thời gian tạm giữ phương tiện có thể kéo dài bao lâu,tôi có thể lấy xe ra sau 7 ngày không?

2.Quá trình trưng cầu giám định có văn bản nào quy định về thời gian làm việc không?

3.Phương tiện của bị hại chưa giám định thiệt hại mà phía công an không tạm giữ hoặc niêm phong có đúng không?

4.Xe lu (bánh sắt) lưu thông trên đường có vi phạm không? Nguyên nhân tại,lỗi vi phạm đã được xác định,chỉ còn xác định thiệt hại của xe lu vậy có thuộc phạm vi phải điều tra dẫn đến phải tạm giữ phương tiện của người có lỗi,gây ra tai nạn không? Xin cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;

Thông tư 63/2020/TT-BCA ngày 19/06/2020 của Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng cảnh sát giao thông.

2. Nội dung tư vấn

2.1.  Thời gian tạm giữ phương tiện có thể kéo dài bao lâu?

Điểm c Điều 10 Thông tư 63/2020/TT-BCA quy định:

Điều 10. Tạm giữ, xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề và tạm giữ người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ liên quan đến vụ tai nạn giao thông để điều tra, xác minh theo thủ tục hành chính

c) Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề liên quan đến vụ tai nạn giao thông không quá 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp cần tiến hành xác minh thì cán bộ Cảnh sát giao thông phải báo cáo đề xuất lãnh đạo có thẩm quyền bằng văn bản theo mẫu số 09A/TNĐB ban hành theo Thông tư này để ra Quyết định kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo mẫu số 19/QĐ-KDTHTGTVPTGPCC ban hành theo Thông tư số 07/2019/TT- BCA, thời hạn kéo dài tối đa không quá 23 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ;

Nếu vụ tai giao thông có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012  mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền giải quyết vụ tai nạn giao thông phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản theo mẫu 09B/TNĐB ban hành theo Thông tư này để xin gia hạn tạm giữ; việc gia hạn phải có Quyết định kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo mẫu số 19/QĐ-KDTHTGTVPTGPCC ban hành theo Thông tư số 07/2019/TT- BCA, thời hạn gia hạn không quá 30 ngày;”

Căn cứ theo quy định nêu trên, thời hạn tạm giữ phương tiện là 7 ngày, có thể gia hạn nhưng không quá 30 ngày.

2.2 Quá trình trưng cầu giám định có văn bản nào quy định về thời gian làm việc không?

Khoản 1 Điều 16 Thông tư 63/2020/TT-BCA quy định:

Điều 16. Giám định chuyên môn

1. Trường hợp cần giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể người bị nạn, định giá thiệt hại về tài sản, giám định dấu vết; giám định chuyên môn kỹ thuật phương tiện, cầu, đường, phà, tổ chức giao thông, chất lượng công trình giao thông liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông để làm căn cứ giải quyết vụ tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật thì cán bộ Cảnh sát giao thông được giao nhiệm vụ điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn phải báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền ra Quyết định trưng cầu giám định theo mẫu số 37/QĐ- TCGĐ ban hành theo Thông tư số 07/2019/TT-BCA để yêu cầu, đề nghị cơ quan có chức năng giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật.”

Điều 18 Thông tư 63/2020/TT-BCA quy định:

Điều 18. Thời hạn điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông

Vụ tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm thì thời hạn điều tra, xác minh, giải quyết như sau:

1. Nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông thì Cảnh sát giao thông phải tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết trong thời hạn 07 ngày; trường hợp vụ tai nạn giao thông có nhiều tình tiết phức tạp cần xác minh thêm thì có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông. Trường hợp phải thông qua giám định chuyên môn hoặc cần phải có thêm thời gian để xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ thì người có thẩm quyền phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.

2. Kết thúc thời hạn điều tra, xác minh thì lực lượng Cảnh sát giao thông phải ra Thông báo kết quả điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông theo mẫu số 14/TNĐB ban hành theo Thông tư này và tiến hành xử lý theo quy định pháp luật hành chính.”

Căn cứ theo quy định nêu trên thời gian giám định chuyên môn sẽ được thực hiện không quá 30 ngày kể từ ngày người có thẩm quyền báo cáo thủ trưởng trực tiếp xin gia hạn do phải giám định chuyên môn.

2.3. Phương tiện của bị hại chưa giám định thiệt hại mà phía công an không tạm giữ hoặc niêm phong có đúng không?

Điểm đ Điều 10 Thông tư 63/2020/TT-BCA quy định:

đ) Sau khi kết thúc khám nghiệm phương tiện giao thông, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi và không vi phạm các quy định khác của pháp luật thì phương tiện giao thông phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện. Nghiêm cấm việc giữ phương tiện giao thông của các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại.”

Như vậy việc cơ quan công an không tạm giữ hoặc niêm phong phương tiện của bị hại là đúng quy định của pháp luật.

2. 4. Xe lu (bánh sắt) lưu thông trên đường có vi phạm không?

Theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều 47 Nghị định 100/2019/NĐ-CP:

Điều 47. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về quy tắc giao thông tại đường ngang, cầu chung, hầm đường sắt

9. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ làm hỏng cần chắn, giàn chắn, các thiết bị khác tại đường ngang, cầu chung;

b) Điều khiển xe bánh xích, xe lu bánh sắt, các phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, quá khổ giới hạn đi qua đường ngang mà không thông báo cho tổ chức quản lý đường ngang, không thực hiện đúng các biện pháp bảo đảm an toàn.

Căn cứ quy định nêu trên nếu xe lu bánh sắt đi qua đường ngang hoặc thực hiện không đúng các biện bảo đảm an toàn là hành vi vi phạm pháp luật.

2.5. Nguyên nhân, lỗi vi phạm đã được xác định chỉ còn xác định thiệt hại của xe lu vậy có thuộc phạm vi phải điều tra dẫn đến phải tạm giữ phương tiện của người có lỗi gây ra tai nạn không?

Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 63/2020/TT-BCA, việc tạm giữ phương tiện khi giải quyết ban đầu trong các vụ tai nạn giao thông là bắt buộc. Về thời hạn tạm giữ sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM