Hệ thống pháp luật

Tạm đình chỉ điều tra và vấn đề tiền án, tiền sự

Ngày gửi: 03/03/2019 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL40881

Câu hỏi:

Xin chào luật sư, luật sư cho em hỏi: Trong vụ án có quyết định đình chỉ điều tra, người được đình chỉ điều tra có gọi là có tiền án hay tiền sự không? Em xin chân trọng cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Thứ nhất, bạn phải hiểu được rằng tạm đình điều tra là việc cơ quan điều tra tạm dừng việc tiến hành điều tra đối với cả vụ án hoặc tạm dừng điều tra vụ án đối với từng bị can trong một thời gian nào đó khi có những căn cứ được quy định cụ thể trong Bộ luật tố tụng hình sự. Theo quy định tại khoản 1, Điều 160 Bộ luật tố tụng hình sự thì Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi có một trong các căn cứ sau:

– Khi bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y thì có thể Tạm đình chỉ điều tra trước khi hết hạn điều tra;

– Trong trường hợp chưa xác định được bị can hoặc không biết bị can đang ở đâu thì Tạm đình chỉ điều tra khi đã hết thời hạn điều tra;

– Trong trường hợp đã trưng cầu giám định, thời hạn điều tra đã hết mà chưa có kết quả giám định, trong trường hợp này việc giám định vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.

Ngoài ra, căn cứ đình chỉ vụ án còn quy định tại khoản 2 Điều 105 và các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự hoặc khi Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên toà. Cụ thể, khoản 2, Điều 105 quy định: trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án. Điểm 3, 4, 5, 6, 7 Điều 7 quy định các trường hợp sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án, bao gồm :

–  Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;

–  Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;

–  Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

–  Tội phạm đã được đại xá;

–  Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.

Về quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ phải ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ vụ án, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, trả lại đồ vật, tài liệu đã tạm giữ, nếu có và những vấn đề khác có liên quan.

Thứ hai, bạn phải hiểu người có tiền án là người đã bị kết án và thi hành hình phạt mà chưa được xóa án tích. Người được xóa án tích thì coi như chưa bị kết án. Bộ luật Hình sự có quy định 3 hình thức được xóa án tích:

  • Đương nhiên được xóa án tích (ví dụ, người nào bị tòa án tuyên phạt tù đến 3 năm, đã chấp hành xong hình phạt và 3 năm sau không phạm tội mới, thì đương nhiên được xóa án tích hoặc người được miễn hình phạt);

  • Toà án quyết định việc xoá án tích đối với những người đã bị kết án về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật hình sự, căn cứ vào tính chất của tội phạm đã được thực hiện, nhân thân, thái độ chấp hành pháp luật và thái độ lao động của người bị kết án trong các trường hợp: Đã bị phạt tù đến ba năm mà không phạm tội mới trong thời hạn ba năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án; Đã bị phạt tù từ trên ba năm đến mười lăm năm mà không phạm tội mới trong thời hạn bảy năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án; Đã bị phạt tù trên mười lăm năm mà không phạm tội mới trong thời hạn mười năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án.

  • Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú đề nghị, thì có thể được Toà án xoá án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định.

Tiền sự là một đặc điểm nhân thân, dùng để chỉ một người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác. Người có tiền sự là người đã bị kỷ luật hành chính, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự, mà chưa được xóa kỷ luật, chưa được xóa việc xử phạt hành chính.

Căn cứ vào những phân tích trên, có thể kết luận rằng trong vụ án có quyết định đình chỉ điều tra, người được đình chỉ điều tra không bị coi là có tiền án, tiền sự.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM