Hệ thống pháp luật

sự kiện pháp lý

"sự kiện pháp lý" được hiểu như sau:

Sự việc nảy sinh trong cuộc sống dưới dạng một hành vi của con người hoặc một sự cố tự nhiên được pháp luật gắn với việc làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt một quan hệ pháp luật nhất định như việc ly hôn một cặp vợ chồng đưa đến việc chia tài sản và giao con cho một người nuôi hoặc sự cố bão lụt làm sập cầu làm ách tắc ô tô vận tải không thể vận chuyển đưa hàng đến đúng giờ theo hợp đồng đã ký kết.Sự kiện pháp lý phải là một sự kiện có thật trong thực tế, nhưng một sự kiện có thật chỉ có thể trở thành sự kiện pháp lý khi được pháp luật quy định mà trở thành cơ sở làm nảy sinh quan hệ pháp luật.Sự kiện pháp lý là một khái niệm pháp lý đa dạng có thể phân loại ở nhiều cấp độ khác nhau. Ở cấp độ chung nhất, sự kiện pháp lý được phân thành hành vi và sự cố.Hành vi là sự kiện gắn liền với con người, nảy sinh do ý chí của con người. Dấu hiệu tiêu biểu của hành vi là biểu thị ý chí của con người - chủ thể của quan hệ pháp luật như là đơn khiếu tố, mệnh lệnh, hợp đồng, còn sự cố là một sự biến, một hiện tượng tự nhiên, hoàn toàn độc lập với con người nhưng vẫn làm phát sinh các quan hệ pháp luật như hạn hán, bão lụt hoặc thiên tai nói chung. Tuy nhiên, hành vi lại có thể phân loại thành hành động và không hành động. Hành động là hành vi, cách xử sự tích cực, chủ động như sự việc một người đi đường gặp một người bị tai nạn đã dừng xe, đưa người bị tai nạn lên xe và đưa đi cấp cứu là hành vi hành động và cũng người đó nhưng khi gặp người bị tai nạn lại phớt lờ, bỏ qua, phóng xe đi thẳng, đó là một trường hợp không hành động trong việc cứu người, vi phạm vào điều cấm và làm phát sinh quan hệ pháp luật hình sự theo Điều 102 Bộ luật Hình sự. Xét theo tiêu chí tính hợp pháp thì hành vi (kể cả hành động và không hành động) lại có thể phân loại thành hành vi hợp pháp và hành vi bất hợp pháp. Hành vi hợp pháp hay hành vi không hợp pháp đều có thể phân loại thành hành vi (hợp pháp hoặc hợp pháp) hình sự, dân sự, lao động, hành chính...Thông thường, một sự kiện pháp lý có thể làm phát sinh một quan hệ pháp luật như sự kiện ký kết hợp đồng làm phát sinh quan hệ hợp đồng, nhưng trong một số trường hợp, để một quan hệ pháp luật có thể xuất hiện phải cần đến một loạt sự kiện pháp lý, chẳng hạn, để nhận được lương hưu cần đến một số sự kiện pháp lý, như phải đạt đến một tuổi đời nhất định như nam - 60 tuổi, nữ 55 tuổi, tuổi về hưu - năm công tác 30 năm, nữ 25 năm; đơn xin hưởng lương hưu, quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội và có thể một sự kiện khác. Trong trường hợp này, các sự kiện pháp lý tập hợp lại thành một tập hợp sự kiện pháp lý có mối quan hệ khăng khít với nhau có tính phức hợp.Sự kiện pháp lý, nhìn chung, phải là sự kiện có thật trên thực tế. Nhưng trong một số trường hợp, khoa học pháp lý và cả trong thực tiễn tư pháp lại chấp nhận trường hợp giả định mà theo thuật ngữ chuyên môn gọi là "suy đoán" như suy đoán vô tội được vận dụng rộng rãi trong khoa học và thực tiễn tố tụng hình sự.