Hệ thống pháp luật

Sử dụng giấy tờ giả sang tên nhà đất

Ngày gửi: 13/11/2020 lúc 20:33:28

Tên đầy đủ: Nguyễn Thành Tuân
Số điện thoại: 0943420xxx
Email: nguyentuanexxx@gmail.com

Mã số: HTPL2611

Câu hỏi:

Em có một câu hỏi rất cần sự giúp đỡ từ luật sư ạ. Mẹ em sinh được 2 người con gái và có nhận nuôi một người con trai. Năm nay mẹ em 90 tuổi có thắc mắc như sau: Nhà ở của mẹ em không sang tên chuyển nhượng, không làm thừa kế tặng cho con mà tại sao người con nuôi lại làm được bìa đỏ đất ở. Đứng tên người đó một nửa đất và một nửa đất đứng tên cháu. Bìa đỏ họ cũng tự ý lấy đi làm. Bây giờ mẹ em không có nhà để ở.Vậy giờ em phải làm gì?

Mong các anh chị trên Hệ thống pháp luật giúp em với ạ. Em xin chân thành cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

- Bộ luật hình sự 2015;

- Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017;

- Bộ luật dân sự 2015;

- Luật nhà ở 2014;

- Luật công chứng 2014;

- Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã;

- Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/08/2015 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 09 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

2. Nội dung tư vấn

Theo như thông tin bạn đã cung cấp, mẹ bạn là người đứng tên trên sổ đỏ nhà đất. Mẹ bạn không thực hiện thủ tục chuyển nhượng nhà đất hay thừa kế, tặng cho với người con nuôi, tuy nhiên người con nuôi đã thực hiện được thủ tục sang tên sổ đỏ mảnh đất của mẹ bạn.

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Luật nhà ở 2014:

“Điều 122. Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở

1. Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.

…”

Và Điều 459 Bộ luật dân sự 2015:

“Điều 459. Tặng cho bất động sản

1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.

…”

Như vậy, để thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ, bắt buộc giấy tờ chuyển nhượng hoặc tặng cho phải được lập thành văn bản có công chứng.

Đối với thông tin, tài liệu công chứng, một số hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Luật công chứng 2014. Cụ thể:

“Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm

2. Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi sau đây:

b) Người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng;

…”

Điều luật quy định nghiêm cấm người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng.

Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà sẽ bị xử phạt:

– Xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 12 Nghị định 110/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP:

“Điều 12. Hành vi vi phạm quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Gian dối, không trung thực khi yêu cầu công chứng hoặc làm chứng;

b) Sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung giấy tờ để được công chứng hợp đồng, giao dịch.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả để được công chứng hợp đồng, giao dịch.

3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ hoặc mạo danh chủ thể để được công chứng hợp đồng, giao dịch.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Hủy bỏ giấy tờ giả đối với hành vi quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.”

– Hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341) hoặc Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174) Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017.

Căn cứ những quy định của pháp luật nêu trên, mẹ bạn nên viết một lá đơn trình bày toàn bộ nội dung sự việc và gửi lên cơ quan công an nơi bạn sinh sống đề nghị được giải quyết.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM