Hệ thống pháp luật

So sánh điểm giống và khác nhau giữa đấu thầu và đấu giá

Ngày gửi: 21/03/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL42496

Câu hỏi:

So sánh hoạt động đấu thầu hàng hóa, dịch vụ và hoạt động đấu giá hàng hóa là một trong những vấn đề quan trọng.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, các hoạt động mua bán hàng hóa cũng như cung ứng dịch vụ diễn ra hết sức phổ biến. Bên cạnh việc mua bán thông thường, các hoạt động đấu giá hàng hóa và đấu thầu hàng hóa, dịch vụ cũng được quan tâm hơn. Do đó, để hiểu rõ hơn về hai hoạt động này, Công ty  Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam xin đưa ra một số tiêu chí để so sánh hoạt động đấu thầu hàng hóa, dịch vụ và hoạt động đấu giá hàng hóa.

Trước hết, đấu thầu hàng hóa, dịch vụ và đấu giá hàng hóa đều là những hoạt động thương mại, tức là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi. Cũng như các hoạt động mua bán thông thường, các bên trong hai hoạt động này luôn tồn tại bên mua và bên bán, trong đó bên mua là cá nhân hoặc tổ chức có thể là thương nhân hoặc không. Đối tượng của hai hoạt động này đều có thể là hàng hóa được phép lưu thông theo quy định của pháp luật. Hai hoạt động này đều được điều chỉnh thống nhất bởi Luật thương mại (LTM) 2005.

Bên cạnh những điểm tương đồng, giữa đấu giá hàng hóa và đấu thầu hàng hóa, dịch vụ cũng có những điểm khác biệt khá rõ ràng.

1. Về khái niệm:

Đấu giá hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó người bán hàng tự mình hoặc thuê người tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hóa công khai để chọn người mua trả giá cao nhất (khoản 1 Điều 185 LTM 2005);

Đấu thầu hàng hóa, dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên mua hàng hàng hóa, dịch vụ thông qua mời thầu (gọi là bên mời thầu) nhằm lựa chọn trong số các thương nhân tham gia đấu thầu (gọi là bên dự thầu) thương nhân đáp ứng tốt nhất các yêu cầu do bên mời thầu đặt ra và được lựa chọn để ký kết và thực hiện hợp đồng (gọi là bên trúng thầu) (theo khoản 1 Điều 214 LTM 2005).

2. Về bản chất kinh tế:

Đấu giá hàng hóa là phương thức bán hàng đặc biệt để bên bán xác định người mua hàng (quan hệ giữa một người bán và nhiều người mua);

Đấu thầu hàng hóa, dịch vụ lại là phương thức mua hàng đặc biệt để bên mua lựa chọn người cung cấp hàng hóa, dịch vụ (quan hệ giữa một người mua và nhiều người bán).

3. Về đối tượng:

Còn đối tượng của đấu thầu hàng hóa, dịch vụ không chỉ là hàng hóa được lưu thông mà còn bao gồm cả các loại dịch vụ được phép thực hiện. Sở dĩ dịch vụ không phải là đối tượng của hoạt động đấu giá hàng hóa như hoạt động đầu thầu hàng hóa, dịch vụ là vì quá trình sản xuất và quá trình sử dụng dịch vụ diễn ra đồng thời. Người ta chỉ có thể cảm nhận, đánh giá từ đó xác định giá trị của dịch vụ sau khi đã sử dụng dịch vụ.

Điều này không đảm bảo để các người mua xem trước sản phẩm đấu giá và tự do cạnh tranh. Thực tế, có thể có một số loại hàng hóa khó xác định được giá trị nhưng không phải là không thể xác định được. Chẳng hạn việc đấu giá bất động sản, nếu không xác định được chính xác giá trị của bất động sản đem ra đấu giá, người ta có thể xác định một “vùng giá” để định hướng cho người mua.

4. Về mục đích:

Mục đích của hoạt động đấu giá hàng hóa là tìm người mua trả giá cao nhất, còn hoạt động đấu thầu hàng hóa dịch vụ là tìm được người bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đáp ứng tốt nhất các yêu cầu mà bên mua đặt ra. Điểm khác biệt ở đây là mối quan tâm của hoạt động đấu giá chỉ là giá cả, còn hoạt động đấu thầu không chỉ là tìm người trả giá thấp nhất mà còn đòi hỏi về chất lượng, trình độ kỹ thuật, khả năng sáng tạo,…

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 024.6294.9155    

5. Về chủ thể

Đối với hoạt động đấu thầu, bên mua – bên mời thầu (có thể là thương nhân hoặc không) là bên có nhu cầu mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ và lại là bên tổ chức việc đấu thầu; còn bên bán – bên dự thầu là các thương nhân có năng lực cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho gói thầu. Điểm khác biệt nữa ở đây là trong hoạt động đấu giá hàng hóa, trừ một số ít trường hợp người bán đấu giá tự mình tổ chức bán đấu giá, hầu hết đều có sự tham gia của trung gian là người làm dịch vụ bán đấu giá, đó là thương nhân lấy hoạt động dịch vụ tổ chức bán đấu giá hàng hóa làm nghề nghiệp của mình.

Ngược lại, trong đấu thầu lại không có sự xuất hiện của thương nhân chuyên kinh doanh dịch vụ đấu thầu hàng hóa, dịch vụ. Sự tham gia của một số chủ thể trung gian cũng chỉ trong các giai đoạn của quy trình tổ chức đấu thầu (như tư vấn giúp lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu,…)

6. Về hình thức pháp lí

Trong quan hệ bán đấu giá, hình thức pháp lí được thiết lập dưới dạng là hợp đồng ủy quyền bán đấu giá (được xác lập giữa người bán hàng và người làm dịch vụ bán đấu giá) và văn bản bán đấu giá hàng hóa (thực chất là hợp đồng mua bán hàng hóa và được xác lập giữa các bên liên quan gồm: người bán hàng, người mua hàng và tổ chức bán đấu giá). Còn hình thức pháp lý của quan hệ đấu thầu là hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu.
7. Về phân loại

Đối với đấu giá hàng hóa: LTM 2005 quy định hai phương thức thực hiện đấu giá hàng hóa là phương thức trả giá lên và phương thức hạ giá xuống (Khoản 2 Điều 185 LTM 2005). Đối với đấu thầu hàng hóa, dịch vụ: căn cứ vào hình thức đấu thầu có thể chia thành đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế (Khoản 1 Điều 215 LTM 2005); căn cứ vào phương thức đấu thầu thì chia thành đấu thầu một túi hồ sơ và đấu thầu hai túi hồ sơ (Khoản 1 Điều 215 LTM 2005).

8. Về ý nghĩa

Về đấu giá hàng hóa: Với người mua, nó tạo ra sự bình đẳng và một môi trường cạnh tranh công bằng khi tất cả những người tham gia trả giá đều có cơ hội ngang nhau; đồng thời cũng giúp cho hàng hóa đến được với những người mua tiềm năng, hiểu đúng giá trị của chúng nhất.

Quy định phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ trong đấu thầu

Người bán cũng thu được lợi ích nhất định mà có khi còn lớn hơn nhiều lần so với giá trị thực của hàng hóa được đem ra bán đấu giá. Đồng thời, đấu giá hàng hóa còn giúp xác lập quan hệ mua bán diễn ra nhanh chóng do tập trung được cung, cầu về các loại hàng hóa đó và một thời gian và địa điểm xác định; từ đó thúc đẩy quan hệ trao đổi thương mại phát triển.

Với đấu thầu: bên mua có thể lựa chọn được người cung ứng thỏa mãn tốt nhất các yêu cầu đề ra, từ đó có thể giảm chi phí đầu tư và tăng lợi ích của việc mua sắm hàng hóa, tìm kiếm người cung ứng dịch vụ cho thương nhân đó cũng như cho xã hội. Còn bên người bán: Không chỉ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh về giá cả mà còn cả về năng lực, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ; từ đó, tạo động lực cho thương nhân không ngừng tìm tòi sáng tạo để cải tiến quy trình, công nghệ sản xuất, cắt giảm chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh trong đấu thầu. Các bên trong quan hệ đấu thầu vì thế mà có thể nâng cao uy tín và mở rộng mối quan hệ trên thị trường.

Hai hoạt động đấu giá hàng hóa và đấu thầu hàng hóa, dịch vụ là hai hoạt động thương mại khá đặc biệt giúp cho các chủ thể có nhiều sự lựa chọn hơn khi thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa cũng như cả cung ứng dịch vụ (hoạt động đấu thầu).

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM