Hệ thống pháp luật

Sinh con thứ ba có bị xử phạt vi phạm hành chính?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL32894

Câu hỏi:

Chào luật sư! Luật sư cho tôi hỏi: ở xã của tôi việc sinh con thứ 3 khi ra xã làm giấy khai sinh là bị phạt tiền là có đúng với qui định của pháp luật không? Và trong huyện tôi những người làm giáo viên cứ sinh con thứ 3 là bị chuyển nơi công tác là có đúng không? Cảm ơn luật sư!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Kế hoạch hóa gia đình là một trong những chính sách nhằm kiểm soát số lượng dân số và nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện nay không có một văn bản nào quy định cụ thể về chính sách này cũng như việc xử phạt vi phạm hành chính về việc sinh con thứ ba. Do đó, việc phạt tiền khi đi khai sinh cho con thứ ba là không đúng.

Viên chức theo Điều 2 Luật viên chức 2010 là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Đối với giáo viên xác định là viên chức sinh con thứ ba hiện nay không có văn bản chung xử lý hành vi này với viên chức. Để xem xét có bị xử lý kỷ luật hay không bạn phải xem xét cơ quan bạn có quyết định riêng xử phạt về vấn đề này hay không. Chẳng hạn, theo Điều 5 Quyết định 1531/QĐ-BTC thì hình thức xử lý kỷ luật với viên chức sinh con thứ ba trong trường hợp viên chức làm việc trong tổ chức, đơn vị thuộc Bộ tài chính thì xử lý như sau:

1. Hình thức kỷ luật “Khiển trách”: áp dụng đối với các công chức, viên chức sinh con thứ 3.

2. Hình thức kỷ luật “Cảnh cáo”: áp dụng đối với công chức, viên chức sinh con thứ 4.

4. Hình thức kỷ luật “Buộc thôi việc”: áp dụng đối với công chức, viên chức sinh con thứ năm trở lên.

Công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, ngoài việc xem xét, xử lý kỷ luật tương ứng với các hình thức kỷ luật nêu trên, trong thời gian thi hành Quyết định kỷ luật, không xem xét, giới thiệu quy hoạch, không đề cử, đề bạt, điều động, luân chuyển theo quy định.

Còn đối với việc chuyển viên chức công tác tại nơi khác chỉ áp dụng với hình thức biệt phái. Căn cứ khoản 1 Điều 36 Luật viên chức 2010 thì:

1. Biệt phái viên chức là việc viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập này được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc biệt phái viên chức.

Như vậy, việc chuyển công chức công tác tại nơi khác do sinh con thứ ba là không có cơ sở pháp lý.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM