Hệ thống pháp luật

quyền

"quyền" được hiểu như sau:

 Khái niệm khoa học pháp lý dùng để chỉ những điều mà pháp luật công nhận và đảm bảo thực hiện đối với cá nhân, tổ chức để theo đó cá nhân được hưởng, được làm, được đòi hỏi mà không ai được ngăn cản, hạn chế.Dấu hiệu đặc trưng thứ nhất của quyền là phải có sự ghi nhận về mặt pháp lý và được bảo đảm thực hiện bởi các quy định của pháp luật; thứ hai là phải có sự thừa nhận về mặt xã hội, gắn liền với chủ thể cá nhân, được thể hiện cụ thể trong thực tế đời sống thông qua các quan hệ xã hội cụ thể của cá nhân trong một cộng đồng nhất định. Theo đó, quyền của cá nhân được phát sinh, tăng hay giảm tùy theo từng thời điểm của quá trình tồn tại và phát triển của xã hội. Đối với cá nhân, các quyền cơ bản phát sinh khi cá nhân sinh ra và có những quyền cụ thể khác phát sinh và ghi nhận khi cá nhân phát triển đến một giai đoạn nhất định, tham gia những quan hệ xã hội, những lĩnh vực hoạt động nhất định. Quyền phải gắn với phạm vi quyền, nghĩa vụ và năng lực của cá nhân và phải chịu tác động trong phạm vi giới hạn của pháp luật hay vùng lãnh thổ nhất định. Quyền của cá nhân chỉ bị tước bỏ bởi pháp luật, chấm dứt khi người đó chết.Với tư cách là công dân của nhà nước sở tại, cá nhân được hưởng đầy đủ các quyền mà hiến pháp, pháp luật của nhà nước sở tại quy định. Đồng thời, nhà nước có trách nhiệm bảo vệ các quyền của công dân, không phụ thuộc vào sự có mặt hay không có mặt của công dân trong phạm vi lãnh thổ đất nước, ở nước ta, quyền của công dân được thể chế hóa tại Hiến pháp và các đạo luật. Theo đó, công dân có các loại quyền đương nhiên như quyền làm người, quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc; các quyền về chính trị như quyền bầu cử, ứng cử, quyền được tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, thảo luận các vấn đề chung của nhà nước, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi nhà nước trưng cầu; các quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội như quyền sở hữu những thu nhập và tài sản hợp pháp, quyền thành lập doanh nghiệp, góp vốn kinh doanh, quyền sử dụng và chuyển quyền sử dụng đất, quyền lao động, học tập, nghiên cứu, sáng tạo khoa học, nghệ thuật, quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền xây dựng nhà ở, quyền được bảo vệ sức khỏe, quyền bình đẳng nam nữ, quyền được Nhà nước bảo hộ về hôn nhân, gia đình; các quyền về tự do dân chủ và tự do cá nhân như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật, quyền tự do tín ngưỡng, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Ngoài ra, khi tham gia vào các mối quan hệ xã hội cụ thể công dân có quyền kháng cáo, quyền tố cáo, quyền định đoạt, quyền lưu cư, quyền thừa kế, quyền ưu tiên giao thông, quyền chất vấn (của các đại biểu Quốc hội)... Quyền của cá nhân có thể phát sinh do được người khác ủy quyền.Là yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại của cá nhân, quyền là một phạm trù trung tâm trong thực tiễn xây dựng, áp dụng pháp luật và trong đời sống xã hội. Theo sự phát triển của xã hội, phạm vi các quyền của cá nhân ngày càng phát triển theo hướng đa dạng hóa. Tôn trọng các quyền của cá nhân và đảm bảo quyền của cá nhân là nguyên tắc quan trọng của hoạt động tư pháp và là nội dung quan trọng của quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong giai đoạn hiện nay.