Hệ thống pháp luật

Quyền, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam trong các trường hợp: Lao động làm việc tại Việt Nam, lao động làm việc tại nước ngoài.

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13

Mã số: LD23

Câu hỏi:

Chào Luật sư! Cho tôi hỏi, quyền, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam và quyền, nghĩa vụ của người Việt Nam lao động nước ngoài được quy định như thế nào? Cảm ơn Luật sư!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Về quyền và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam làm việc tại Việt Nam:

Người lao động Việt Nam và người Việt Nam lao động nước ngoài đều tồn tại quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quan hệ lao động.

Khi tham gia quan hệ lao động tại Việt Nam, quyền, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam tuân theo các quy định tại Bộ Luật lao động 2012.

- Người lao động có các quyền sau đây:

Được trả lương theo số và chất lượng lao động;

Được đảm bảo an toàn trong lao động; được đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;

Được nghỉ ngơi theo pháp luật quy định và theo thoả thuận giữa các bên;

Được thành lập hoặc gia nhập tổ chức công đoàn;

Được hưởng phúc lợi tập thể và tham gia quản lý doanh nghiệp theo pháp luật, nội quy và điều kiện của đơn vị;

Được đình công theo quy định của pháp luật.

- Người lao động phải thực hiện các nghĩa vụ, bao gồm:

Thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và cháp hành nội quy của đơn vị;

Thực hiện các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động và chấp hành kỷ luật lao động;

Tuân thủ sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động.

Về quyền và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam tại nước ngoài:

Khi tham gia quan hệ lao động ở nước ngoài thì người lao động phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Người lao động phải tuân thủ các quyền, nghĩa vụ theo quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006.

- Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có các quyền sau đây:

Yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài cung cấp các thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam về người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thông tin về chính sách, pháp luật có liên quan và phong tục, tập quán của nước tiếp nhận người lao động; quyền và nghĩa vụ của các bên khi đi làm việc ở nước ngoài;

Hưởng tiền lương, tiền công, thu nhập khác, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác quy định trong các hợp đồng và điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 40 của Luật này;

Được doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động, pháp luật và thông lệ quốc tế trong thời gian làm việc ở nước ngoài; được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện các quyền và hưởng các lợi ích trong Hợp đồng lao động, Hợp đồng thực tập;

Chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập và tài sản khác của cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;

Hưởng các quyền lợi từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật;

Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện về những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

- Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có các nghĩa vụ sau đây:

Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; tôn trọng phong tục, tập quán của nước tiếp nhận người lao động; đoàn kết với người lao động của nước tiếp nhận người lao động và người lao động của các nước khác;

Chủ động học nghề, học ngoại ngữ, tìm hiểu các quy định của pháp luật có liên quan;

Tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài;

Tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;

Làm việc đúng nơi quy định; thực hiện nội quy nơi làm việc và về nước sau khi chấm dứt Hợp đồng lao động hoặc Hợp đồng thực tập theo quy định của nước tiếp nhận người lao động;

Chịu trách nhiệm về những thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã ký theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;

Tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam và các hình thức bảo hiểm theo quy định của nước tiếp nhận người lao động;

Nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;

Đóng góp vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của Luật này.

Như vậy, người lao động dù làm việc ở Việt Nam hay nước ngoài đều được hưởng quyền, nghĩa vụ của mình theo đúng quy định pháp luật.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM