Hệ thống pháp luật

Quy định về việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lao động

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13

Mã số: LD302

Câu hỏi:

Bộ luật Lao động 2012 quy định về nghĩa vụ chăm sóc sức khỏe cho người lao động như sau: người lao động (kể cả thử việc) được khám sức khỏe định kỳ 1 năm 1 lần. Riêng lao động nữ ngoài khám sức khỏe định kỳ 1 năm 1 lần còn được khám chuyên khoa phụ sản ít nhất 6 tháng 1 lần (tương đương 1 năm 2 lần). Tôi muốn hỏi đối với lao động nữ số lần khám sức khỏe định kỳ là 1 năm 1 lần và khám chuyên khoa phụ sản là 1 năm 2 lần có đúng không? Hay là đối với lao động nữ người sử dụng lao động chỉ phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ 1 năm 1 lần và khám chuyên khoa phụ sản 1 năm 1 lần là đủ? Mong sớm nhận được sự giúp đỡ của Luật sư. Trân trọng cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Căn cứ Điều 152 Bộ luật lao động 2012 quy định về việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động như sau:

- Người sử dụng lao động phải căn cứ vào tiêu chuẩn sức khỏe quy định cho từng loại công việc để tuyển dụng và sắp xếp lao động.

- Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề; lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm công việc nặng nhọc, độc hại, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi phải được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.

- Người lao động làm việc trong điều kiện có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp phải được khám bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ Y tế.

- Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải được giám định y khoa để xếp hạng thương tật, xác định mức độ suy giảm khả năng lao động và được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động đúng theo quy định của pháp luật

- Người lao động sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu còn tiếp tục làm việc, thì được sắp xếp công việc phù hợp với sức khoẻ theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa lao động.

- Người sử dụng lao động phải quản lý hồ sơ sức khoẻ của người lao động và hồ sơ theo dõi tổng hợp theo quy định của Bộ Y tế.

- Người lao động làm việc ở nơi có yếu tố gây nhiễm độc, nhiễm trùng, khi hết giờ làm việc phải được người sử dụng lao động bảo đảm các biện pháp khử độc, khử trùng.

Căn cứ Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ như sau:

1. Khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành”

Như vậy, căn cứ theo quy định của Bộ luật Lao động 2012 và Nghị định số 85/2015/NĐ-CP thì hàng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, riêng đối với lao động nữ thì khi kiểm tra sức khỏe phải được khám chuyên khoa phụ sản.

Vì vậy, với lao động nữ, bình thường 1 năm sẽ được khám sức khỏe định kỳ 1 lần, ngoài ra đối với lao động nữ sẽ được khám 1 năm 2 lần về chuyên khoa phụ sản. Người sử dụng lao động có thể lồng ghép việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động và khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ trong cùng 01 lần khám sức khỏe.

Trường hợp lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại, hoặc là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi phải được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần, trong các lần khám vẫn phải bảo đảm có khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM