Hệ thống pháp luật

Quy định về thời gian làm việc cho người lái xe

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: LD300

Câu hỏi:

Em làm công nhân lái xe nâng cho công ty. Em muốn hỏi có điều khoản nào quy định về thời gian làm việc cho người lái xe nâng cho công ty không a . nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động và chu su dụng lao động lái xe nâng như thế nào a?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Hiện nay theo quy định của Bộ Luật lao động 2012 không quy định cụ thể về thời gian làm việc cho người lái xe nâng nên trường hợp của bạn nên sẽ được giải quyết như sau:

Thứ nhất, quy định về thời giờ làm việc của người lao động.

Trường hợp 1: Khi xác lập hợp đồng, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận quy định về thời giờ làm việc.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Bộ luật lao động 2012 quy định về nội dung hợp đồng lao động như sau:

“1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

a, Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp;

b, Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp khác của người lao động;

c, Công việc và địa điểm làm việc;

d, Thời hạn của hợp đồng lao động;

đ, Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

e, Chế độ nâng bậc, nâng lương;

g, Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

h, Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

i, Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;

k, Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.”

Theo quy định trên, nếu bạn và công ty có thỏa thuận với nhau khi xác lập hợp đồng thì sẽ thực hiện theo nội dung của hợp đồng về thời giờ làm việc.

Trường hợp 2: Khi người sử dụng lao động và người lao động khi xác lập hợp đồng không thỏa thuận về thời giờ làm việc.

Quy định thời giờ làm việc bình thường:

Theo quy định tại Điều 104 Bộ luật lao động 2012 quy định thời giờ làm việc bình thường:

“1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và 48 giờ trong 1 tuần.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần, trong trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 1 tuần.

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.

3. Thời giờ làm việc không quá 6 giờ trong 1 ngày đối với những người làm việc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục Bộ lao động – Thương binh và xã hội chủ trì phối với hợp Bộ Y tế ban hành.”

Công việc của bạn là công nhân lái xe nâng cho công ty nên không thuộc trường hợp làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục Bộ lao động – Thương binh và xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành nên sẽ thực hiện chế độ làm việc thông thường là không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.

Quy định thời giờ làm việc ban đêm:

Theo Điều 105 Bộ luật lao động 2012 quy định giờ làm việc ban đêm sẽ tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Quy định thời gian làm thêm giờ:

Đối với thời gian làm thêm giờ được quy định tại Điều 4 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/05/2013 quy định:

a, Số giờ làm thêm trong ngày được quy định như sau:

-Không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, khi áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày;

-Không quá 12 giờ trong 1 ngày khi làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.

b, Việc tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm được quy định như sau:

-Các trường hợp sau đây được tổ chức làm thêm:

Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản;

Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp, thoát nước;

Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.

-Khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quản lý nhà nước về lao động tại địa phương.

c. Thời gian nghỉ bù theo Điểm c Khoản 2 Điều 106 Bộ luật lao động 2012 quy định:

- Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 07 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ;

Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 Bộ luật lao động.

Quy định nghỉ trong giờ làm việc:

Theo quy định tại Điều 108 Bộ luật lao động 2012 và Điều 5 Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định như sau:

-Người lao động làm việc liên tục 08 giờ hoặc 06 giờ theo quy định của thời giờ làm việc bình thường được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc.

- Trường hợp làm việc ban đêm, thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút, tính vào thời giờ làm việc.

- Ngoài thời gian nghỉ giữa giờ quy định trên thì người sử dụng lao động quy định thời điểm các đợt nghỉ ngắn và ghi vào nội quy lao động.

Thứ hai, quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động:

Nghĩa vụ của người lao động:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Bộ luật lao động 2012:

-Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể;

-Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động, tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động.

-Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế.

Nghĩa vụ của người sử dụng lao động:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật lao động 2012:

-Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận khác với người lao động, tôn trọng danh dự, nhân phẩm chủ ở cơ sở.

-Thiết lập cơ chế và thực hiện đối với tập thể lao động tại doanh nghiệp và thực hiện nghiêm chỉnh quy chế dân chủ ở cơ sở.

-Lập số quản lý lao động, sổ lương và xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

-Khai trình việc sử dụng lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động và định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương.

-Thực hiện các quy định khác của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế.

Ngoài ra theo quy định tại Luật giao thông đường bộ 2008 thời gian làm việc của người lái xe được áp dụng như sau:

"Điều 65. Thời gian làm việc của người lái xe ô tô

1. Thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.

2. Người vận tải và người lái xe ô tô chịu trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này."

Tóm lại, nếu bạn và công ty đã thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng thì sẽ phải thực hiện đúng theo nội dung của hợp đồng. Nếu không thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng thì bạn và công ty sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động như trên.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM