Hệ thống pháp luật

Quy định về điều kiện kết hôn

Ngày đăng: 06/08/2022 lúc 08:18:05

Điều kiện kết hôn là đòi hỏi về mặt pháp lí đối với nam, nữ và chỉ khi thoả mãn những đòi hỏi đó thì nam, nữ mới có quyền kết hôn. Kết hôn hay đăng ký kết hôn là một thủ tục không thể thiếu khi nam, nữ muốn trở thành vợ chồng hợp pháp. Bài viết sau đây sẽ giúp người đọc có cái nhìn tổng quan hơn về các điều kiện này.

Quy định về điều kiện kết hôn

Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam nữ phải đáp ứng những điều kiện theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và được hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

Điều 8. Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.”

Như vậy, hai bên nam nữ có đủ điều kiện kết hôn khi đáp ứng được các điều kiện sau đây:

Một là, nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.

Độ tuổi được phép kết hôn ở Việt Nam là nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên và được xác định theo ngày, tháng, năm sinh.

Nếu không xác định được tháng sinh thì tháng sinh là tháng một của năm sinh.

Nếu không xác định được ngày sinh thì ngày sinh là ngày mùng một của tháng sinh.

Hai là, việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định.

Điều này thể hiện nguyên tắc tự nguyện trong kết hôn. Nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau hoàn toàn tự do theo ý chí của họ.

Ba là, không bị mất năng lực hành vi dân sự.

Người bị mất năng lực hành vi dân sự là người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi và được Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Bốn là, việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn.

Những trường hợp cấm kết hôn được quy định tại điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 bao gồm:

  • Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo
  • Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
  • Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn với người đang có chồng, có vợ;
  • Kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Tham khảo toàn văn: Luật Hôn nhân và gia đình 2014

BBT. Hệ thống Pháp Luật Việt Nam