Hệ thống pháp luật

Quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL33299

Câu hỏi:

Chào luật sư . Hiện nay tôi đang ở nước ngoài. Tôi cần mang 1 khẩu súng hơi về việt nam. Ở các sân bay quốc tế ở các nước không cấm mang súng hơi trên hành lý kí gửi. Nếu về việt nam bị phát hiện tôi bị phạm vào những luật nào của việt nam. Xin cảm ơn?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12;

– Luật  xử lý vi phạm hành chính 2012;

– Nghị định 167/2013/NĐ- CP;

– Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009).

Theo thông tin của bạn, bạn muốn đem một khẩu súng hơi về Việt Nam qua đường hàng không. Hiện nay nhiều nước không quy định cấm mang theo súng hơi trong hành lý khi đi lại qua đường hàng không nên an ninh nước ngoài vẫn có thể chấp nhận cho qua cửa soi chiếu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, súng hơi là loại mặt hàng bị cấm nhập và buộc phải khai báo hải quan.

Hiện nay, việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được quy đinh tại Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12.

Điều 3, Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 quy định : "Vũ khí gồm vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự". Trong đó : "Súng săn là súng dùng để săn bắn gồm súng kíp, súng hơi, các loại súng khác có tính năng, tác dụng tương tự". Như vậy, súng hơi là một loại vũ khí được quy định tại  Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12. Trong trường hợp bạn cố ý đem khẩu súng đó về Việt Nam và bị phát hiện, pháp luật hiện hành quy định như sau:

Thứ nhất, về hành vi vận chuyển trái phép vũ khí về Việt Nam.

Theo quy định tại Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12, các hành vi bị cấm về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được quy định tại điều 5 gồm: 

"1. Cá nhân sở hữu vũ khí, trừ vũ khí quy định tại khoản 4 Điều 3 của Pháp lệnh này.

2. Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

3. Lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xâm phạm sức khỏe, tính mạng; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

4. Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng vũ khí được giao.

5. Giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

6. Cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

7. Mang vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép.

8. Vận chuyển, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không bảo đảm an toàn.

9. Trao đổi, mua bán, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp giấy phép sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

10. Mua bán trái phép, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp các loại phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

11. Đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

12. Hành vi khác vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ."

Như vậy, hành vi vận chuyển vũ khí trái pháp luật là hành vi bị cấm theo quy định của Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12

Điều 6, Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 quy định các trường hợp được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong các trường hợp đặc biệt. Theo đó, các trường hợp được pháp luật cho phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam gồm:

2. Tổ chức, cá nhân Việt Nam được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ từ Việt Nam ra nước ngoài để bảo vệ người đứng đầu cơ quan Đảng, Nhà nước hoặc để luyện tập, thi đấu thể thao, triển lãm, trưng bày, chào hàng, giới thiệu sản phẩm.

3. Bộ trưởng Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục và việc cấp giấy phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định đối với các trường hợp thuộc chương trình, kế hoạch của Bộ Quốc phòng."

Như vậy, bạn không thuộc trường hợp được phép đem vũ khí từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam. Chính vì vậy, khi bị phát hiện bạn sẽ đứng trước nguy cơ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012Nghị định 167/2013/NĐ- CP quy định xử phạt vi hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.Trong trường hợp vi phạm ở mức độ nghiêm trọng nghĩa là khi có yếu tổ cấu thành tội phạm hoặc bạn đã bị xử phạt hành chính về hành vi này rồi nhưng vẫn tái phạm, bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, các quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm,

Xét hai trường hợp sau:

*Trường hợp 1: Hành vi của bạn vi phạm quy định về giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Bạn sẽ bị xử lý hành chính theo Luật  xử lý vi phạm hành chính 2012 và Nghị định 167/2013/NĐ- CP quy định xử phạt vi hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ- CP quy định về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm. Theo đó, khoản 5 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ- CP quy định: 

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với những hành vi trong đó có hành vi  sau đây: " Vận chuyển vũ khí, các chi tiết vũ khí quân dụng, phụ kiện nổ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy định trong giấy phép hoặc không có các loại giấy tờ khác theo quy định của pháp luật;". Khoản 6 điều này cũng quy định: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với những hành vi trong đó có hành vi sau đây: "Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm." Ngoài ra, người vi phạm còn phải chấp hành hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại khoản 8, Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ- CP.

Về trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đã được ghi nhận trong các điều khoản thuộc mục 1, chương III Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Có thể tóm tắt thủ tục xử phạt gồm các bước sau:

– Bước 1: Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính.

Quy định về kiểm tra cư trú trong các cơ sở lưu trú

– Bước 2: Lập biên bản xử phạt và lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp xử phạt có biên bản. Hồ sơ bao gồm biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính, các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục. Hồ sơ phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Trường hợp này phải lập quyết định xử phạt hành chính với các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Trong bước này, người xử phạt phải xác minh tình tiết của vụ việc, xác định giá trị tang vật để làm căn cứ quyết định mức phạt, khung hình phạt.

– Bước 3: Người có thẩm quyền xử phạt sẽ tiếp nhận việc giải trình của tổ chức, cá nhân vi phạm .

– Bước 4: Ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm. Trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, cơ quan có thẩm quyền chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan tiến hành tổ tụng.

* Trường hợp 2: Hành vi vận chuyển trái phép vũ khí của bạn đã từng bị xử phạt hành chính trước đó nhưng vẫn tái phạm hoặc hành vi vi phạm có yếu tố cấu thành tội phạm. 

Khoản 2, Điều 36, Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 quy định như sau: " Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thì tuỳ theo tính chất, múc độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật".

Khi đó, bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Điều 234 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định về tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. 

"1. Người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chăn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.

5. Người phạm tội còn có thể  bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ  một  năm đến năm năm."

Như vậy, hành vi vận chuyển trái pháp luật vũ khí từ nước ngoài vào Việt Nam là hành vi trái pháp luật. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM