Hệ thống pháp luật

quốc tịch của pháp nhân

"quốc tịch của pháp nhân" được hiểu như sau:

Tình trạng pháp lý của một pháp nhân (xt. Pháp nhân).Mỗi pháp nhân chỉ được coi là hợp pháp khi nó được thành lập và hoạt động phù hợp với pháp luật của nước mà nó mang quốc tịch (Xt. Quốc tịch).Pháp luật và thực tiễn quốc tế thường căn cứ vào những yếu tố dưới đây để xác định quốc tịch của một pháp nhân: 1) Nơi đặt trụ sở của pháp nhân; 2) Trung tâm các hoạt động của pháp nhân; 3) Pháp luật của nước mà pháp nhân được thành lập; và 4) Trong những trường hợp đặc biệt căn cứ vào quốc tịch của người thực sự làm chủ hay lãnh đạo pháp nhân đó.Trong bối cảnh của toàn cầu hóa hiện nay, vấn đề "hai quốc tịch" của pháp nhân cũng được đặt ra, nhất là đối với những công ty, tập đoàn đa hay xuyên quốc gia, những công ty mẹ và công ty con... Có nhiều trường hợp trụ sở của pháp nhân đặt ở nước này nhưng trung tâm các hoạt động của pháp nhân đó lại ở nước khác hoặc ở nhiều nước khác nhau; pháp nhân được thành lập theo luật của nước này nhưng lại hoạt động chính ở nước khác hoặc không có nơi hoạt động cố định; cổ đông mang nhiều quốc tịch khác nhau. Vì vậy, đối với những trường hợp này, thường căn cứ vào những yếu tố sau (theo thứ tự ưu tiên): 1) Trung tâm hoạt động; 2) Nơi đặt trụ sở; và 3) Luật của nước nơi pháp nhân đặt trụ sở.Bộ luật dân sự của Việt Nam quy định một tổ chức chỉ được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện: 1) Được thành lập hợp pháp; 2) Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; 3) Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; 4) Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.Đối với doanh nghiệp, theo Luật doanh nghiệp năm 2005 của Việt Nam, phải đáp ứng các điều kiện sau; 1) Có tên riêng; 2) Có tài sản; 3) Có trụ sở giao dịch ổn định; 4) Được đăng ký kinh doanh theo quy định của của pháp luật.