quốc hữu hóa đất đai
"quốc hữu hóa đất đai" được hiểu như sau:
Chuyển đất đai thuộc các chủ sở hữu khác nhau thành sở hữu của Nhà nước.Ở nước ta, việc quốc hữu hóa đất đai được tiến hành từng bước phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng giai đoạn phát triển của đất nước. Sau khi giành được chính quyền, Nhà nước ta tiến hành cải cách ruộng đất tịch thu đất đai của thực dân, địa chủ, phong kiến chia cho người nông dân. Tiếp theo vào những năm 60 và 80 của thế kỷ XX, vận động người nông dân tự nguyện góp ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác vào làm ăn tập thể trong các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất. Hiến pháp năm 1980 ra đời quy định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Hiến pháp năm 1992 tiếp tục duy trì và củng cố quy định này của Hiến pháp năm 1980.Điều 17 Hiến pháp năm 1992 quy định: Đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước đều thuộc sở hữu toàn dân.