quốc hiệu
"quốc hiệu" được hiểu như sau:
Tên gọi chính thức của một nước, một quốc gia.Đối với các dân tộc, việc đặt quốc hiệu, tên nước thường gắn liền với một sự kiện có tầm quan trọng to lớn mang ý nghĩa của một phương thức khẳng định quyền tồn tại của một nước, một quốc gia có một địa bàn lãnh thổ riêng, có dân cư đông đảo với tính cách là một chủ thể độc lập, có chủ quyền.Trong lịch sử Việt Nam, việc đặt quốc hiệu, đổi tên nước luôn gắn liền với một số sự kiện trọng đại, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của đất nước đang được mở ra, khẳng định quyền tồn tại trong độc lập, tự chủ với tính cách là một quốc gia, một nhà nước độc lập, có lãnh thổ, sông núi riêng và một biên thùy, có phong tục, pháp luật riêng: 18 đời Vua Hùng dựng nước và giữ nước đặt tên nước là Văn Lang; Thục Phán An Dương Vương được Vua Hùng nhường ngôi đổi tên nước là Âu Lạc. Thế kỷ thứ VI, Lý Bí đánh thắng quân Lương, giành được quyền độc lập, lên ngôi Hoàng đế - Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân; Đinh Bộ Lĩnh giữa thế kỷ thứ X, dẹp được loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt (năm 968); Lý Công Uẩn lên làm vua, đổi tên nước là Đại Việt và dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long mở ra một trang sử mới trong lịch sử dân tộc; Lê Lợi cùng với quân dân sau 10 năm chiến đấu, lật đổ được ách nô dịch của triều đại nhà Minh, giành được quyền độc lập, tự chủ cho dân tộc, khôi phục lại tên nước Đại Việt; Gia Long thắng được triều đại Tây Sơn, đặt quyền cai trị lên cả nước, đặt quốc hiệu Việt Nam, với tư cách là một quốc gia thống nhất. Trong thời đại ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1945 nhân dân Việt Nam làm Cách mạng tháng Tám thành công, lật đổ ách thống trị thực dân và chế độ quân chủ, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; kháng chiến chống Mỹ đại thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất và kỳ họp đầu tiên của Quốc hội thống nhất đã quyết định đổi tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.