Hệ thống pháp luật

Phát mại tài sản không có căn cứ

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13

Mã số: DS417

Câu hỏi:


Năm 2012, tôi thế chấp mảnh đất diện tích 130m2 (định giá 570 triệu) để vay 400 triệu đồng. Đến năm 2014, tôi không có khả năng trả nợ, ngân hàng thu và phát mại tài sản của tôi (sau khi trừ các khoản chi phí) với giá 260 triệu. Bên Ngân hàng yêu cầu tôi phải trả phần còn lại. Nhưng tôi không chịu vì khi định giá là 570 triệu, Ngân hàng bán giá thấp thì Ngân hàng phải chịu. Ngân hàng nói rằng sẽ lấy căn nhà tôi đang ở. Vậy Ngân hàng làm như vậy đúng hay không vì căn nhà đó là của bố mẹ tôi. Xin chân thành cảm ơn!


Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo quy định tại Điều 355 và Ðiều 338 Bộ luật dân sự, việc thanh toán tiền bán tài sản cầm cố/thế chấp được thực hiện như sau: Tiền bán tài sản cầm cố được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ cho bên nhận cầm cố sau khi trừ chi phí bảo quản, bán tài sản và các chi phí cần thiết khác có liên quan để xử lý tài sản cầm cố; trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm là khoản vay thì thanh toán cho bên nhận cầm cố theo thứ tự nợ gốc, lãi, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại nếu có; nếu tiền bán còn thừa thì phải trả lại cho bên cầm cố; nếu tiền bán còn thiếu thì bên cầm cố phải trả tiếp phần còn thiếu đó.
Theo quy định trên, số tiền phát mại tài sản thế chấp không đủ để thanh toán nghĩa vụ trả nợ của bạn với Ngân hàng nên Ngân hàng yêu cầu bạn tiếp tục trả phần nợ còn thiếu là đúng. Bạn và Ngân hàng có thể thỏa thuận việc tiếp tục trả nợ, phương thức trả nợ cho phù hợp với tình hình thực tế.
Việc Ngân hàng nói rằng sẽ phát mại căn nhà bạn đang ở là không có căn cứ vì:
(i) Việc xử lý tài sản chỉ được thực hiện khi các bên có thỏa thuận thế chấp tài sản và khi xảy ra các trường hợp dẫn đến phải xử lý tài sản. Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp, giữa bạn và Ngân hàng chỉ có thỏa thuận thế chấp 1 thửa đất đã phát mại mà không thấy có thỏa thuận thế chấp ngôi nhà bạn đang ở. Do đó, Ngân hàng không có quyền xử lý tài sản đối với ngôi nhà này.
(ii) Hơn nữa, ngôi nhà là của bố mẹ bạn nên nếu muốn bạn cũng không thể tự thỏa thuận với Ngân hàng về việc sử dụng ngôi nhà đó để trả nợ cho Ngân hàng. Việc sử dụng, định đoạt ngôi nhà đó phải do bố mẹ bạn là những chủ sở hữu ngôi nhà quyết định.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM