Hệ thống pháp luật

Phân chia di sản thừa kế

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13

Mã số: DS338

Câu hỏi:

Gia đình tôi có 4 anh chị em gồm : anh tôi, chị tôi, tôi và em trai tôi. Mẹ tôi đã qua đời năm 2000. Ba tôi cũng mới qua đời vào tháng 1 năm 2015, để lại cho chúng tôi một mảnh vườn 7,8 sào nam bộ và một mảnh đất mặt tiền 512m2 có 1 căn nhà cấp 4. Trước khi mất ba tôi có phân chia phần tài sản cho các anh chi em tôi bằng miệng nội dung như sau : 1. Về mảnh vườn 7,8 sào: chia cho chị tôi 1 sào, còn lại 6,8 sào chia đôi cho tôi và em trai tôi mỗi người 3,4 sào. 2. Về mảnh đất mặt tiền 512m2 và căn nhà cấp 4: Chia mảnh đất 512m2 thành 3 phần: 1 phần có căn nhà để làm hương hỏa cho ông bà còn lại chia cho tôi và em tôi mỗi người 1 phần. Về phần anh tôi thì lúc còn sống ba tôi đã lo vốn cho anh tôi làm ăn nên ba không chia cho anh tôi. Vì ba tôi lo sợ sau khi ba tôi mất anh tôi sẽ tranh chấp với 3 chị em tôi nên trước khi mất ba tôi đã sang tên sổ đỏ mảnh vườn 7,8 sào cho em trai tôi đứng tên và nói sau này em tôi phải chia lại cho chị tôi và tôi. Hiện tại, em tôi đã đứng tên sổ đỏ mảnh đất 7,8 sào và muốn lấy hết 7,8 sào vườn này, không chịu chia cho tôi và chị tôi như lời di nguyện của cha tôi. Đã vậy em tôi còn muốn kiện ra tòa đòi chia mảnh đất 512m2 ra làm 4 và lấy thêm 1 phần. Việc này khiến các anh chị tôi và tôi không thể chấp nhận được, rất mong được tư vấn, trong trường hợp này tôi phải làm sao để em tôi thực hiện đúng như di nguyện của cha tôi. Trân trọng cảm ơn.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Chào bạn, chúng tôi rất hiểu và thông cảm với vấn đề mà gia đình bạn đang gặp phải. Nếu xét về mặt tình cảm gia đình thì em trai của bạn có trách nhiệm thực hiện di nguyện mà bố bạn đã để lại, theo đó, em trai bạn có trách nhiệm chia lại 7,8 sào vườn cho chị gái và bạn; đồng thời các anh em sẽ tiến hành phân chia 512m2 đất theo sự sắp đặt của bố bạn.
Tuy nhiên, về mặt pháp luật, bạn và những anh chị em khác sẽ gặp bất lợi trong vấn đề yêu cầu em trai tiến hành phân chia đất theo ý nguyện của bố bạn. Bởi lẽ:
Thứ nhất, đây là trường hợp thừa kế theo pháp luật, không phải thừa kế theo di chúc.
Trước khi chết, bố bạn chia phần tài sản cho các anh chị em bằng miệng, không lập thành văn bản. Mặc dù Điều 649 Bộ luật dân sự quy định “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng”, tuy nhiên, di chúc bằng miệng phải thỏa mãn các điều kiện sau đây mới được coi là di chúc hợp pháp:
- Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
- Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.
Theo quy định trên, di nguyện cuối cùng của bố bạn về việc phân chia tài sản cho các con không thể được coi là di chúc hợp pháp và như vậy, về mặt pháp luật, em trai bạn không có trách nhiệm phải thực hiện đúng di nguyện của bố bạn. Trong trường hợp này, di sản do bố bạn để lại được chia theo pháp luật (theo quy định tại Khoản 1 Điều 675 Bộ luật dân sự).
Thứ hai, di sản của bố bạn để lại không bao gồm toàn bộ mảnh vườn 7,8 sào nam bộ và một mảnh đất mặt tiền 512m2 có 1 căn nhà cấp 4 như bạn nêu.
Ðiều 634 Bộ luật dân sự quy định về di sản như sau: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”. Theo quy định này, di sản do bố bạn để lại phải thuộc quyền sở hữu/sử dụng của bố bạn tại thời điểm mở thừa kế.
Theo thông tin bạn cung cấp, bố bạn qua đời vào tháng 1 năm 2015, để lại một mảnh vườn 7,8 sào nam bộ và một mảnh đất mặt tiền 512m2 có 1 căn nhà cấp 4; tuy nhiên, bạn cũng nêu rõ rằng: trước khi mất bố bạn đã sang tên sổ đỏ mảnh vườn 7,8 sào cho em trai bạn đứng tên. Như vậy, mảnh vườn 7,8 sào không còn là tài sản thuộc quyền sử dụng của ba bạn nữa, nên không thể coi đây là di sản do bố bạn để lại. Mảnh vườn hiện do em trai bạn đứng tên nên em trai bạn có toàn quyền sử dụng mảnh vườn đó và không có trách nhiệm phân chia cho các anh chị em khác.
Thứ ba, từ những phân tích nêu trên, các vấn đề liên quan đến thừa kế của ba bạn được xác định như sau:
- Xác định di sản: Di sản do bố bạn để lại chỉ bao gồm mảnh đất mặt tiền 512m2 có 1 căn nhà cấp 4.
- Xác định người thừa kế: Di sản được chia cho những người thừa kế theo pháp luật của bố bạn, theo thứ tự quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự. Theo đó, cả bốn anh em bạn đều có quyền ngang nhau trong việc hưởng di sản do bố bạn để lại.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM