Hệ thống pháp luật

Nối sổ bảo hiểm xã hội khi làm việc tại công ty mới

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13

Mã số: LD222

Câu hỏi:

Em đóng bhxh từ tháng 4/2010 đến tháng 2/2011 và rút sổ từ 30/10/2012. Cho em hỏi Giờ em thanh toán có được không ạ, và thanh toán được bao nhiêu ạ. Em thấy trong sổ bhxh của em có ghi tiền lương tiền công từ tháng 4/2010 đến tháng 5/2010 là 1.007.500, Từ tháng 6/2010 đến tháng 12/2010 là 1.131.500, Tổng tiền lương đóng từ 1/2011 đến 2/2011 là 1.131.500 tỷ lệ đóng bhxh là 22%. Đóng bhtn từ 4/2010 đến 5/2010 là 1.007.500, Từ 6/2010 đến 12/2010 là 1.131.500 tỷ lệ đóng bhtn là 3%. Xin tư vấn giúp em là giờ em thanh toán có được không ạ và được bao nhiêu tiền ạ. Giờ em đang làm ở công Ty mới và đang đóng bhxh mới, giờ em muốn nối sổ thì có nối được nữa không ạ.?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo Điều 60 và điều 75 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về Bảo hiểm xã hội một lần đối với người không đủ điều kiện hưởng lương hưu như sau:

"1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

b) Ra nước ngoài để định cư;

c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

4. Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội."

Và cụ thể hơn được hướng dẫn bởi điều 1 Nghị quyết 93/2015/NQ-QH thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đổi với người lao động do Quốc hội ban hành:

"1. Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.

Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi."

Cùng với tại điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ - CP quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc:

"Điều 8. Bảo hiểm xã hội một lần

1. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;

c) Ra nước ngoài để định cư;

d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này.

4. Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội.

5. Hồ sơ, giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại Điều 109 và các Khoản 3, 4 Điều 110 của Luật Bảo hiểm xã hội."

Như vậy, sau 12 tháng ngừng đóng Bảo hiểm xã hội bạn mới có thể nhận trợ cấp Bảo hiểm xã hội một lần. Mức trợ cấp Bảo hiểm xã hội 1 lần = 1,5 tháng lương bình quân đóng Bảo hiểm xã hội cho mỗi năm.

Tại khoản 4 điều 19 Thông tư 59/2015/TT - BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc:

"4. Khi tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm."

Trong trường hợp của bạn, các tính bảo hiểm xã hội một lần như sau:

- Bảo hiểm xã hội bắt buộc:

Tháng 4/2010 đến tháng 5/2010: thời gian 2 tháng, mức lương 1.007.500 x 2 = 2.015.000

Tháng 6/2010 đến tháng 12/2010: thời gian 7 tháng, mức lương 1.131.500 x 7 = 7.920.500

Tháng 1/2011 đến tháng 2/2011: thời gian 2 tháng, mức lương 1.131.500 x 2 = 2.263.000

- Bảo hiểm xã hội tự nguyện:

Tháng 4/2010 đến tháng 5/2010: thời gian 2 tháng, mức lương 1.007.500 x 1 = 2.015.000

Tháng 6/2010 đến tháng 12/2010: thời gian 7 tháng, mức lương 1.131.500 x 7 = 7.920.500

- Tổng tiền lương: 2.015.000 7.920.500 2.263.000 2.015.000 7.920.500 = 22.134.000; Tổng thời gian: 2 7 2 = 11 tháng

- Mức lương bình quân: 22.134.000/11 = 2.012.182

- Thời gian đóng bảo hiểm xã hội: 11 tháng (được tính là 1 năm)

- Trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần: 2.012.182 x 1 x 1,5 = 3.018.273

Như vậy bạn sẽ được nhận số tiền thanh toán bảo hiểm xã hội 1 lần là 3.018.273 đồng.

Quy định về việc gộp sổ bảo hiểm xã hội tại khoản 2.1 và khoản 5.1 Điều 46 Quyết định 959/QĐ-BHXH năm 2015 Quy định về quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế do Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành như sau:

"2. Cấp lại sổ BHXH

2.1. Cấp lại sổ BHXH (bìa và tờ rời) các trường hợp: mất, hỏng; gộp; thay đổi số sổ; họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh"

"5. Xử lý một số tình huống trong công tác cấp sổ BHXH

5.1. Một người có từ 2 sổ BHXH trở lên ghi thời gian đóng BHXH không trùng nhau thì cơ quan BHXH thu hồi tất cả các sổ BHXH, hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng BHXH, BHTN của các sổ BHXH vào sổ mới. Số sổ BHXH cấp lại là số của sổ BHXH có thời gian tham gia BHXH sớm nhất."

Như vậy, nếu muốn bạn hoàn toàn có thể "nối sổ" được. Hồ sơ của bạn theo quy định tại khoản 1 điều 29 Quyết định này sẽ bao gồm:

"1. Cấp lại sổ BHXH do mất, hỏng, thay đổi số sổ, gộp sổ BHXH

1.1. Thành phần hồ sơ:

a) Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS);

b) Sổ BHXH đã cấp.

1.2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ."

Thời hạn quy định tại khoản 2 điều 31 như sau:

"2. Cấp lại sổ BHXH do thay đổi số sổ; họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch;sổ BHXH do mất, hỏng hoặc gộp sổ: không quá 15 ngày làm việc, trường hợp phức tạp cần phải xác minh thì không quá 45 ngày làm việc nhưng phải có văn bản thông báo cho người lao động biết."

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM