Hệ thống pháp luật

Người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài thì bị xử lý như thế nào?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL41159

Câu hỏi:

Tôi đi lao động cùng người Việt Nam tại Trung Quốc và bị người Việt Nam cùng làm việc đánh trọng thương. Vậy tôi phải làm thế nào để được giải quyết. Xin được luât sư tư vấn giúp tôi để tôi có hướng giải quyết. Xin cảm ơn.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo thông tin bạn đưa ra thì bạn đi lao động cùng người Việt Nam tại Trung Quốc và bị người Việt Nam cùng làm việc đánh trọng thương. Do bạn không nói rõ, việc bạn bị đánh cụ thể như thế nào, thương tích cụ thể là bao nhiêu, và khi đánh thì người Việt nam ấy có sử dụng hung khí nguy hiểm, hay đánh có tổ chức hay không. Tuy nhiên, có thể thấy, trường hợp của bạn ở đây là bị công dân Việt nam đánh, cố ý gây thương tích; và sự việc diễn ra tại nước ngoài (Trung Quốc).

Điều 6. Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

1. Công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật này.

Quy định này cũng được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú  ở nước  Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự Việt Nam trong những trường hợp được quy định trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Do vậy, trong trường hợp của bạn, người công dân Việt nam đánh bạn tại Trung quốc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật hình sự 1999 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cụ thể: người công dân Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự 1999. Theo đó: 

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì  lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật  từ  61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân

Do trong thông tin bạn cung cấp, không nói rõ về mức tổn hại sức khỏe của bạn sau khi bị công dân Việt Nam đánh, gây thương tích là như thế nào, và mức độ, tính chất của hành vi đánh người, gây thương tích của người công dân Việt nam ở đây là như thế nào. Do vậy, tùy vào mức tổn hại sức khỏe hoặc tỷ lệ thương tật của cơ thể bạn sau khi bị người công dân Việt Nam đánh, mà người công dân Việt Nam đó có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 được trích dẫn như trên. Theo đó, trong trường hợp mức độ tổn hại của cơ thể của bạn, hay tỷ lệ thương tật của bạn được xác định là trên 11%, hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp được quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i, k khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự nêu trên thì người công dân Việt Nam sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự Việt nam.

Có thể thấy, vụ việc ở đây là công dân Việt Nam đánh người, gây thương tích tại nước ngoài, ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Và theo nguyên tắc quốc tịch thì công dân Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam ở bất kỳ nơi nào, đồng thời khi sinh sống ở ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam thì phải tuân theo pháp luật ở nước sở tại. Và việc xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này còn phụ thuộc vào các điều ước quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc ký kết, cụ thể là Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam – Trung Hoa, và quy định cụ thể của pháp luật Trung quốc về hành vi này.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM