Hệ thống pháp luật

Người sử dụng lao động tự ý cắt lương của người lao động

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL37379

Câu hỏi:

Hiện tại em đang là nhân viên lái xe của công ty Taxi TNHH một thành viên Asia Ninh Thuận, tổng công ty ở Nha Trang. Em vào công ty từ 12/2015, lúc mới vào công ty có tổ chức học nghiệp vụ mấy ngày và thu của em 600.000 đồng, thu thêm 3 triệu tiền kí quỹ và giữ hồ sơ gốc lái xe của em, chạy mãi đến 8/2016 qua nhiều lần ý kiến công ty mới kí hợp đồng lao động với em và giữ luôn hợp đồng lao động không đưa cho em bản nào và chỉ đưa cho em thẻ bảo hiểm y tế không đưa sổ bảo hiểm xã hội mà không riêng gì em tất cả các nhân viên khác công ty đều làm như thế. Từ ngày bắt đầu làm việc tới 12/01 em không vi phạm kỉ luật. Bình thường lương của nhân viên được trả vào ngày 10 hàng tháng nhưng vừa rồi tháng 12 đến ngày 12/01 công ty vẫn chưa trả lương và em có nói với 1 tài xế khác là nợ doanh thu 100.000đ thì bị phạt mà lương giờ này chưa có. Có một người khác nghe được nói lại cho giám đốc, giám đốc gọi điện cho em nói là bị cắt ca qua tết mới giải quyết với lí do xúc phạm công ty. Công ty thường áp dụng hình thức phạt tiền cho các trương hợp vi phạm và thực hiện cắt ca làm việc của mọi người. Như vậy tất cả sự việc trên của công ty là đúng hay sai và em phải làm như thế nào? Mong luật sư tư vấn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Thứ nhất, công ty ký hợp đồng lao động đối với bạn:

Điều 16 Bộ luật Lao động 2012 quy định Hình thức hợp đồng lao động như sau:

"1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”

Theo quy định pháp luật, khi người lao động vào làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 03 tháng trở lên thì phải được lập thành văn bản; cụ thể là 02 bản, người lao động được giữ 1 bản.

Đối với hành vi không ký đúng loại hợp đồng lao động với bạn, công ty sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP như sau:

"Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động 

1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây: 

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động; 

b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động; 

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động; 

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động; 

… "

Thứ hai, công ty phạt tiền bạn vì lý do nợ doanh thu:

Điều 128 Bộ luật Lao động 2012 quy định Những quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động như sau:

"1. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động.

2. Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.”

Theo quy định của pháp luật thì nghiêm cấm người sử dụng lao động dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động; các hình thức xử lý kỷ luật lao động khi người lao động có hành vi vi phạm là khiển trách; Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức; Sa thải.

Thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp, người lao động

Đối chiếu theo quy định trên vào trường hợp của bạn; công ty bạn có hành vi cắt lương của bạn là vi phạm pháp luật.

Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định 95/2013/NĐ-CP như sau:

“3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:

a) Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động;

b) Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động;

c) Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.”

Thời gian công ty trả sổ bảo hiểm xã hội khi người lao động nghỉ việc

Thứ ba, công ty yêu cầu nộp 3.000.000 đồng để ký quỹ và giữ hồ sơ gốc lái xe của bạn:

Điều 20 Bộ luật lao động 2012 quy định Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động như sau:

"1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động."

Đối với hành vi giữ giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP như sau:

"…

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: 

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động; 

b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động; 

c) Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động. 

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: 

a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này; 

b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này."

Để đảm bảo quyền lợi cho bạn, bạn nên làm đơn khiếu nại gửi đến Phòng lao động thương binh xã hội cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở để yêu cầu giải quyết.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM