Hệ thống pháp luật

Người ở nhờ có quyền bán đất không?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: DD10

Câu hỏi:

Hiện tại Gia đình tôi muốn làm đơn khiếu nại về nhà ở và đất đai , Tôi mong muốn luật sư tư vấn hổ trợ và cho tôi ý kiến với nội dung sau. Ba tôi là N.V.C, đi bộ đội và có công tham gia kháng chiến cách mạng tại Quảng Nam, Hội An. Và ba tôi đưa quân đóng tại Lương Sơn, Huyện bắc bình, Tỉnh Bình thuận gặp mẹ tôi là H.T.T. Sau thời gian sinh sống và có 06 người con với nhau , Vào năm 1990 vì hoàn cảnh khó khăn, và không đủ sức gòng gánh nuôi các con học hành. Ba tôi quyết định đem gia đình vợ con về lại Quảng Nam sinh sống, Sau khi trở lại quê hương, Ba tôi được UBND Xã Cẩm Thanh, thôn nhì, tổ 04. Hội An cấp đất ở. Và ba tôi đã dựng tạm ngôi nhà cho gia đình có chổ ở. Sau một thời gian mẹ tôi vì xứ lạ quê người nên buồn và đổ bệnh nặng, yêu cầu ba tôi phải cho mẹ con tôi vô lại Lương sơn, Huyện bắc bình, Tỉnh Bình thuận để tiếp tục sinh sống. Vì thương vợ và các con, nên ba tôi đã làm theo ý mẹ trở lại quê vợ sinh sống tiếp. Trong thời gian gia đình tôi vắng nhà , thì có 01 người bà con với ba tôi tên là P.P xin ở nhờ nhà tôi để giữ nhà giúp. Sau thời gian ở nhờ để trông coi giùm gia đình tôi, và có ý định muốn ở luôn nên nói ba tôi làm giấy tờ cho cho ở, Vì thấy Ông P hoàn cảnh khăn, nên lúc đó nên ba tôi tự ý quyết định làm giấy tờ và ký đơn cho Ông P.P ở tạm. Nay ông Phạm Phước có ý định bán ngôi nhà của gia đình tôi, Mẹ và chị em tôi muốn giữ lại ngôi nhà để sau này có chổ thờ cúng tổ tiên thì phải làm như thế nào. Xin luật sư tư vấn giúp tôi, nếu được chúng tôi sẽ cảm tạ! Mong thư hồi âm sớm, Xin Cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Người sử dụng đất được thực hiện quyền bán đất (hay chuyển nhượng) khi có các điều kiện quy định tại điều 188 Luật đất đai 2013 như sau:

"Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.

3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính."

Theo thông tin bạn cung cấp thì ba bạn tự ý quyết định làm giấy tờ và ký đơn cho Ông P.P ở tạm có thể hiểu là việc ba bạn cho ông P đăng ký tạm trú hoặc là nhập vào sổ hộ khẩu của gia đình.

- Trường hợp nếu ông P tạm trú hoặc có tên trong sổ hộ khẩu nhưng không có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (GCNQSDĐ) thì ông P không có quyền định đoạt tài sản này vì ông P không phải chủ sở hữu mảnh đất đó, trừ khi ông P được chủ sở hữu mảnh đất (bố mẹ bạn...) ủy quyền thực hiện.

Căn cứ theo quy định của Bộ luật dân sự 2005:

"Điều 195. Quyền định đoạt

Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó."

"Điều 197. Quyền định đoạt của chủ sở hữu

Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản."

"Điều 198. Quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu

Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo uỷ quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật.

Người được chủ sở hữu uỷ quyền định đoạt tài sản phải thực hiện việc định đoạt phù hợp với ý chí, lợi ích của chủ sở hữu."

- Trường hợp ông P có tên trong sổ hộ khẩu và cùng đứng tên trong GCNQSDĐ hoặc GCNQSDĐ đứng tên chủ hộ nhưng là GCNQSDĐ hộ gia đình thì khi ông P muốn bán đất thì phải được sự đồng ý của các thành viên trong gia đình.

Căn cứ điều 108, 109 Bộ luật dân sự 2005:

"Điều 108. Tài sản chung của hộ gia đình

Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ."

"Điều 109. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình

1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận.

2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý."

Do đó, nếu mẹ và chị bạn không muốn bán thì ông P sẽ không có quyền bán.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM