Hệ thống pháp luật

Người bị tai nạn giao thông có quyền giữ xe gây tại nạn không?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: GT24

Câu hỏi:

Bố tôi lái xe ô tô tham gia giao thông khi đã uống rượu và xảy ra va chạm với người đi xe máy. Người này chỉ bị sây sát ngoài da, ông cũng không có cố ý gây ra tai nạn. Thế nhưng người đó yêu cầu giữ xe bố tôi, sau đó có xảy ra cãi vã, vì tức giận ông có hành vi đánh người. Sự việc xảy ra đến giờ đã hai ngày người lái xe máy kia vẫn chưa chịu trả xe về cho bố tôi. Xin hỏi:

Bố tôi với hành vi như vậy liệu có bị truy tố trước pháp luật không?

Số bồi thường tiền thì khoảng bao nhiêu?

Người đó giữ xe của bố tôi như vậy có đúng không?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Thứ nhất, điều 202 bộ luật hình sự (BLHS) về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định:

“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định.

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Theo đó, để có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bố bạn cần phải xem xét hai vấn đề là phải có hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, và hành vi này là nguyên nhân gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác. Như bạn trình bày, bố bạn tham gia giao thông bằng xe ô tô trong tình trạng có sử dụng rượu là đã có hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, việc xác định mức độ thiệt hại xảy ra do tai nạn cần căn cứ vào kết quả điều tra của cơ quan công an chứ không thể dựa vào đánh giá chủ quan của người gây tai nạn. Do vậy chỉ dựa vào thông tin bạn cung cấp là người bị tai nạn chỉ bị xây xát nhẹ, thì chưa thể khẳng định là bố bạn có bị khởi tố hay không. Tuy nhiên nếu tỷ lệ thương tật của người bị tai nạn này được xác định từ 31% trở lên và không gây thiệt hại về tài sản, hoặc từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng thì hành vi của bố bạn đã đủ căn cứ để bị khởi tố theo khoản 1 điều 202 BLHS nêu trên, căn cứ hướng dẫn tại khoản 1 điều 2 thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC. Ngoài ra yếu tố lỗi trong trường hợp bị khởi tố về tội này là lỗi vô ý.

Cho nên dù không cố ý gây ra tai nạn thì bố bạn vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình gây ra bởi khi điều khiển phương tiện giao thông trên đường, bố bạn phải ý thức được việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy tắc an toàn giao thông có thể gây ra nguy hiểm cho những người cùng tham gia giao thông nhưng do tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được nên vẫn vi phạm và gây ra tai nạn. Do đó việc bố bạn không cố ý gây ra tai nạn không được xem là căn cứ để không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thêm một vấn đề nữa là sau khi bị xảy ra tai nạn, bố bạn lại có hành vi đánh người. theo điều 104 BLHS, nếu hành vi này gây ra tổn hại sức khỏe cho người bị đánh với tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp dung hung khí nguy hiểm; gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;… thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác…

Thứ hai, về vấn đề bồi thường thiệt hại, pháp luật không quy định cụ thể về mức bồi thường. Việc xác định mức bồi thường phải căn cứ vào thiệt hại đã xảy ra trong thực tế mà người yêu cầu thiệt hại có nghĩa vụ chứng minh thông qua những chứng từ và biên nhận hợp lệ. Những khoản bồi thường làm căn cứ để chứng minh thiệt hại trong trường hợp này bao gồm: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại. Ngoài ra, người gây ra thiệt hại còn phải bồi thường cho người bị thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định (mức lương tối thiểu chung hiện tại: 1.150.000 đồng/ tháng; từ 1/5/2016 là 1.210.000 đồng/tháng).

Vấn đề thứ ba, theo quy định tại điều 604 bộ luật dân sự về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, dù bố bạn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không thì vẫn có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho người kia. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người bị tai nạn có quyền giữ xe của bố bạn. Căn cứ quy định tại điều 38 luật giao thông đường bộ, khi xảy ra tai nạn giao thông, những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm báo tin cho cơ quan công an, y tế hoặc ủy ban nhân dân nơi gần nhất để các cơ quan này kịp thời có mặt tại hiện trường để điều tra vụ tai nạn. Khi đó, xe của bố bạn cũng như xe của người bị tai nạn đều phải được tạm giữ để phục vụ công tác điều tra và thẩm quyền tạm giữ xe để điều tra thuộc về đơn vị cảnh sát giao thông có mặt tại hiện trường sau khi tiếp nhận tin báo, sau đó sẽ chuyển sang cơ quan công an điều tra nếu vụ tai nạn có dấu hiệu tội phạm. Việc tạm giữ phương tiện gây ra tai nạn phải được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục luật định như phải có biên bản, quyết định tạm giữ…

Vấn đề phát sinh là do sau khi xảy ra tai nạn bố bạn và cả người kia không thực hiện đúng theo quy định của luật giao thông đường bộ nói trên mà lại tự mình giải quyết dẫn đến việc người bị tai nạn giữ xe của bố bạn. Tuy nhiên dù với mục đích gì, thậm chí là giữ xe để bảo đảm bố bạn phải bồi thường thiệt hại cho họ thì hành vi giữ xe này cũng là trái pháp luật. Do đó nếu người này không chịu trả lại xe thì bố bạn có thể làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an nơi người này cư trú để cơ quan này can thiệp giải quyết.

Mong rằng nội dung tư vấn có thể giải đáp phần nào vướng mắc của bạn.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM