Hệ thống pháp luật

Mục 6 Chương 2 Nghị định 117/2010/NĐ-CP về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng

MỤC 6. SỬ DỤNG BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN, HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ TRONG KHU RỪNG ĐẶC DỤNG

Điều 21. Sử dụng bền vững tài nguyên rừng

Các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong rừng đặc dụng phải đảm bảo chức năng bảo tồn, duy trì và phát triển sự đa dạng sinh học của rừng, đảm bảo môi trường sống của các loài thực vật rừng, động vật rừng đặc hữu, quý hiếm; loài thực vật rừng, động vật rừng có giá trị cao về khoa học, giáo dục; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, các giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử và môi trường. Thủ tục, biện pháp kỹ thuật khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong rừng đặc dụng phải tuân theo quy chế quản lý rừng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

1. Đối với vườn quốc gia; khu dự trữ thiên nhiên; khu bảo tồn loài, sinh cảnh

a) Được khai thác, thu dọn, làm vệ sinh những cây gỗ đã chết, cây gẫy đổ, thực vật rừng trong phân khu dịch vụ hành chính theo quy định của Nhà nước; được tận thu gỗ, củi, thực vật rừng trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

b) Được khai thác, sử dụng bền vững các loài thực vật ngoài gỗ và không thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm trong phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ hành chính theo đề án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của Nghị định này phê duyệt và quy định của pháp luật.

c) Được thu thập mẫu vật, nguồn gen sinh vật theo quy định tại mục đ, Khoản 2, Điều 20 của Nghị định này.

2. Đối với khu rừng bảo vệ cảnh quan

a) Được tận thu gỗ, củi, thực vật rừng trong quá trình thực hiện các biện pháp lâm sinh để bảo tồn, tôn tạo, khôi phục hệ sinh thái, cảnh quan, văn hóa, lịch sử và trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

b) Được khai thác, sử dụng bền vững các loài thực vật không thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm theo đề án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của Nghị định này phê duyệt.

c) Được thu thập mẫu vật, nguồn gen sinh vật theo quy định tại mục đ, Khoản 2, Điều 20 của Nghị định này.

3. Đối với rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học

a) Được phép khai thác lâm sản theo chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học được phê duyệt.

b) Được tận thu gỗ, củi, thực vật rừng trong quá trình thực hiện các tác động điều chỉnh tổ thành rừng, nuôi dưỡng rừng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác theo chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học được phê duyệt và trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

c) Được khai thác, sử dụng bền vững các loài thực vật, động vật, vi sinh vật phục vụ nghiên cứu khoa học theo chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học được cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 14 của Nghị định này phê duyệt.

d) Được thu thập mẫu vật, nguồn gen sinh vật theo quy định tại mục đ, Khoản 2, Điều 20 của Nghị định này.

Điều 22. Dịch vụ môi trường rừng

Ban quản lý khu rừng đặc dụng với tư cách là chủ rừng được tổ chức, thực hiện chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng, cung ứng các dịch vụ như: bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, điều tiết và duy trì nguồn nước, hấp thụ và lưu giữ các bon, giảm phát thải phí gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ cảnh quan tự nhiên và đa dạng sinh học, tạo bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống, sử dụng nguồn nước và rừng cho nuôi trồng thủy sản … theo quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; dịch vụ nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, giá trị đa dạng sinh học cho các tổ chức, cá nhân sử dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 23. Hoạt động du lịch sinh thái

1. Việc tổ chức hoạt động du lịch sinh thái phải phù hợp với quy hoạch khu rừng đặc dụng và có đề án du lịch sinh thái được cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 14 của Nghị định này.

2. Thực hiện đúng quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, du lịch, di sản văn hóa và quy chế quản lý khu rừng đặc dụng.

3. Phương thức tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái:

a) Ban quản lý khu rừng đặc dụng tự tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái;

b) Ban quản lý khu rừng đặc dụng có thể sử dụng một phần rừng, đất lâm nghiệp cho tổ chức, cá nhân thuê nhằm mục đích kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp với bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn thiên nhiên theo đúng quy hoạch được duyệt và các quy định hiện hành của pháp luật;

c) Ban quản lý khu rừng đặc dụng liên doanh, liên kết giữa với tổ chức, cá nhân khác để tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái.

4. Yêu cầu đối với dự án du lịch sinh thái

a) Không gây ảnh hưởng tiêu cực đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường và các chức năng khác của khu rừng; phù hợp với quy hoạch của khu rừng đặc dụng được duyệt.

b) Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chỉ được xây dựng các tuyến đường mòn, đường cáp trên không, đường ngầm dưới mặt đất, trạm quan sát cảnh quan, biển chỉ dẫn phục vụ du lịch sinh thái.

c) Trong phân khu phục hồi sinh thái chỉ được xây dựng các tuyến đường bộ phù hợp nhưng tối đa không vượt quá quy mô đường cấp IV miền núi, trạm quan sát cảnh quan, biển chỉ dẫn, đường cáp trên không, đường ngầm dưới mặt đất, các công trình khác phù hợp với quy hoạch khu rừng đặc dụng.

d) Trong phân khu hành chính, dịch vụ; khu bảo vệ cảnh quan; khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học được xây dựng các công trình phục vụ cho quản lý, nghiên cứu khoa học và tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái phù hợp với quy hoạch khu rừng đặc dụng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể về quy mô, diện tích sử dụng xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái rừng đặc dụng.

Nghị định 117/2010/NĐ-CP về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng

  • Số hiệu: 117/2010/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 24/12/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 09/01/2011
  • Số công báo: Từ số 29 đến số 30
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH