Hệ thống pháp luật

Mua thêm 20% số lượng thuốc có phải tiến hành tổ chức đấu thầu?

Ngày gửi: 11/04/2017 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL42407

Câu hỏi:

Cơ quan tôi tổ chức đấu thầu rộng rãi cung ứng thuốc, trong đó nhóm thuốc hạ huyết áp đã mua hết các loại thuốc trong nhóm thuốc đó, nhưng do nhu cầu sử dụng tăng, vậy tôi muốn mua thêm 20% số lượng thuốc trong hợp đồng cần thủ tục nào? Có cần ký hợp đồng mới không? Có phải báo cáo cơ quan cấp trên không (Sở Y tế)? Xin cám ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Luật đấu thầu 2013 

Thông tư 11/2016/TT-BYT

Nghị định 63/2014/NĐ-CP

2. Nội dung tư vấn

Căn cứ Điều 24 Luật đấu thầu 2013, dẫn chiếu Điều 14, Thông tư 11/2016/TT-BYT quy định điều kiện áp dụng đấu thầu thuốc mua sắm trực tiếp khi đáp ứng đủ các điều kiện:

–  Nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó;

–  Gói thầu có nội dung, tính chất tương tự và quy mô nhỏ hơn 130% so với gói thầu đã ký hợp đồng trước đó;

–  Đơn giá của các phần việc thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp không được vượt đơn giá của các phần việc tương ứng thuộc gói

thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó;

–  Thời hạn từ khi ký hợp đồng của gói thầu trước đó đến ngày phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp không quá 12 tháng.

Như vậy, trong trường hợp này cơ quan bạn tổ chức đấu thầu rộng rãi cung ứng thuốc, trong đó nhóm thuốc hạ huyết áp đã mua hết các loại thuốc trong nhóm thuốc đó, nhưng do nhu cầu sử dụng tăng, muốn mua thêm 20 % số lượng thuốc trong hợp đồng thì có có thể thực hiện mua sắm trực tiếp nếu thời hạn từ khi kí hợp đồng của gói thầu trước đến ngày phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp không quá 12 tháng.; đơn giá thuốc không vượt quá đơn thuốc trước đấy. 

Trình tự mua sắm trực tiếp:

Quy trình mua sắm trực tiếp thực hiện theo quy định tại Điều 60 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP như sau:

Bước 1: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu:

– Lập hồ sơ yêu cầu:

Việc lập hồ sơ yêu cầu phải căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Hồ sơ yêu cầu bao gồm các nội dung thông tin tóm tắt về dự án, gói thầu; yêu cầu nhà thầu cập nhật thông tin về năng lực; yêu cầu về tiến độ cung cấp và cam kết cung cấp hàng hóa bảo đảm kỹ thuật, chất lượng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu trước đó; yêu cầu về đơn giá của hàng hóa. Trường hợp hàng hóa thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp là một trong nhiều loại hàng hóa thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó thì quy mô của hàng hóa áp dụng mua sắm trực tiếp phải nhỏ hơn 130% quy mô của hàng hóa cùng loại thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó;

– Hồ sơ yêu cầu phải được thẩm định theo quy định tại Điều 105 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP trước khi phê duyệt;

– Việc phê duyệt hồ sơ yêu cầu phải bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định hồ sơ yêu cầu.

Bước 2: Phát hành hồ sơ yêu cầu cho nhà thầu đã được lựa chọn trước đó. Trường hợp nhà thầu này không có khả năng tiếp tục thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp thì phát hành hồ sơ yêu cầu cho nhà thầu khác nếu nhà thầu này đáp ứng quy định tại Khoản 3 Điều 24 của Luật Đấu thầu.

Bước 3: Nhà thầu chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của hồ sơ yêu cầu.

Bước 4: Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về các đề xuất của nhà thầu:

– Đánh giá hồ sơ đề xuất:

Kiểm tra các nội dung về kỹ thuật và đơn giá;

Cập nhật thông tin về năng lực của nhà thầu;

Đánh giá tiến độ thực hiện, biện pháp cung cấp hàng hóa, giải pháp kỹ thuật và biện pháp tổ chức thực hiện gói thầu;

Các nội dung khác (nếu có).

– Trong quá trình đánh giá, bên mời thầu mời nhà thầu đến thương thảo, làm rõ các nội dung thông tin cần thiết của hồ sơ đề xuất nhằm chứng minh sự đáp ứng của nhà thầu theo yêu cầu về năng lực, tiến độ, chất lượng, giải pháp kỹ thuật và biện pháp tổ chức thực hiện gói thầu;

– Bên mời thầu phải bảo đảm đơn giá của các phần việc thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp không được vượt đơn giá của các phần việc tương ứng thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó, đồng thời phù hợp với giá cả thị trường tại thời điểm thương thảo hợp đồng.

Bước 5: Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả mua sắm trực tiếp:

– Kết quả lựa chọn nhà thầu phải được ,thẩm định theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 106 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP trước khi phê duyệt;

– Việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu phải bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt và báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu;

–  Kết quả lựa chọn nhà thầu phải được thông báo bằng văn bản cho tất cả các nhà thầu tham gia nộp hồ sơ đề xuất và công khai theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm c Khoản 1 hoặc Điểm b Khoản 2 Điều 8 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP.

Bước 6: Hoàn thiện và ký kết hợp đồng:

Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp, biên bản thương thảo hợp đồng, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ đề xuất và các tài liệu liên quan khác.

Việc tổ chức mua sắm trực tiếp sẽ không cần phải gửi thông báo lên Sở y tế, cơ quan bạn áp dụng theo kết quả gói thầu trước đó để thực hiện. Thủ trưởng cơ quan bạn có thẩm quyền kí và phê duyệt đối với mua sắm trực tiếp.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM