Hệ thống pháp luật

Mức hưởng phụ cấp cán bộ công đoàn

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13

Mã số: LD226

Câu hỏi:

Phụ cấp công đoàn = lương cơ sở x hệ số, theo quy định là chi theo quý hay năm hay tháng? Trong chi hoạt động công đoàn có được chi thăm hỏi cán bộ công đoàn ngoài cơ quan như hiếu hỉ, chia tay?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Thứ nhất, về phương thức chi trả phụ cấp cán bộ công đoàn:

Ngày 14 tháng 12 năm 2011, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam ra Quyết định 1439/QĐ-TLĐ ban hành Quy định về chế độ phụ cấp cán bộ công đoàn. Theo Quy định về chế độ phụ cấp cán bộ công đoàn ban hành kèm Quyết định 1439/QĐ-TLĐ (sau đây gọi tắt à Quy định), phụ cấp đối với cán bộ công đoàn gồm phụ cấp kiêm nhiệm và phụ cấp trách nhiệm.

Phụ cấp công đoàn = lương cơ sở x hệ số mà bạn nhắc đến ở đây chính là phụ cấp đối với cán bộ công đoàn cơ sở. Theo mục 1.2, chương II Quy định, phụ cấp với cán bộ công đoàn cơ sở được tính theo công thức sau:

1.2. Phụ cấp cán bộ công đoàn cơ sở = (Hệ số phụ cấp) x (Tiền lương tối thiểu công đoàn cơ sở đang thu kinh phí công đoàn)

Cũng tại mục 1.3, chương II của Quy định này đã hướng dẫn rõ: Công đoàn cơ sở căn cứ khả năng nguồn kinh phí được sử dụng và nhu cầu thực tế của đơn vị được điều chỉnh đối tượng, mức chi, thời gian chi (tháng, quý, năm) phụ cấp cán bộ công đoàn cho phù hợp, nhưng phụ cấp kiêm nhiệm không quá hệ số 0,7; phụ cấp trách nhiệm không quá hệ số 0,3. Như vậy, tùy vào nguồn kinh phí và tình hình cụ thể, công đoàn cơ sở có thể lựa chọn mộ trong các phương thức chi phụ cấp cán bộ công đoàn cơ sở theo tháng, theo quý hoặc theo năm.

Thứ hai, về chi trong hoạt động công đoàn

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật công đoàn 2012, tài chính công đoàn được sử dụng cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của Công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn, bao gồm các nhiệm vụ sau đây:

a) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động;

b) Tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;

c) Phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn vững mạnh;

d) Tổ chức phong trào thi đua do Công đoàn phát động;

đ) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn;

e) Tổ chức hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch cho người lao động;

g) Tổ chức hoạt động về giới và bình đẳng giới;

h) Thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động;

i) Động viên, khen thưởng người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác;

k) Trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn không chuyên trách;

l) Chi cho hoạt động của bộ máy công đoàn các cấp;

m) Các nhiệm vụ chi khác.

Như vậy, nếu dùng tài chính công đoàn để chi thăm hỏi cán bộ công đoàn ngoài cơ quan như hiếu hỉ, chia tay nhằm thực hiện quyền, trách nhiệm của Công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn thì đây là hoạt động chi đúng quy định pháp luật.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM