Hệ thống pháp luật

môi giới

"môi giới" được hiểu như sau:

Hành vi làm trung gian cho các bên tiếp xúc, đàm phán và thiết lập các quan hệ để hưởng thù lao.Nội dung của hoạt động môi giới thường chỉ gồm việc tìm kiếm khách hàng và tiến hành một số đàm phán ban đầu với họ, tổ chức cho người được môi giới tiếp xúc với khách hàng và hỗ trợ các bên trong việc đàm phán và ký kết hợp đồng. Khác với người đại diện, người môi giới không trực tiếp giao kết hợp đồng với khách hàng.Trong lĩnh vực thương mại, môi giới thương mại được quy định tại Luật thương mại Việt Nam năm 1997 và tiếp tục được quy định tại Luật thương mại năm 2005, theo đó, môi giới thương mại là việc làm trung gian cho các bên mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại để hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới. Các bên tham gia quan hệ môi giới thương mại gồm người môi giới và người được môi giới.Nội dung hoạt động môi giới thương mại thường bao gồm tìm kiếm bạn hàng, cung cấp các thông tin cần thiết về bạn hàng cho người được môi giới, giới thiệu về hàng hóa, dịch vụ cần môi giới, tiến hành các đàm phán ban đầu với bạn hàng, thỏa  thuận về các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa các bên được môi giới, giúp đỡ các bên được môi giới soạn thảo văn bản hợp đồng khi cần thiết. Mục đích của hoạt động môi giới là các bên được môi giới giao kết hợp đồng với nhau.