Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 2 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2005

Mục 2

THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG MUA SẮM, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN ĐI LẠI VÀ PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ LÀM VIỆC

Điều 13. Mua sắm, trang bị, sửa chữa phương tiện đi lại

1. Việc mua sắm, trang bị phương tiện đi lại của cơ quan, tổ chức phải đúng đối tượng, phục vụ thiết thực cho công việc, không được vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Nghiêm cấm việc mua sắm, trang bị phương tiện đi lại sai đối tượng, vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ.

2. Việc sửa chữa, thay thế phương tiện đi lại phải theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ và các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

3. Hằng năm, bộ, ngành và địa phương phải chỉ đạo, hướng dẫn việc rà soát, kiểm tra toàn bộ phương tiện đi lại của các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý để xây dựng kế hoạch mua sắm, trang bị mới, sửa chữa phương tiện đi lại hoặc thực hiện điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu.

4. Người quyết định mua sắm, trang bị, sửa chữa phương tiện đi lại và những người có liên quan vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này gây lãng phí thì phải bồi thường và bị xử lý kỷ luật.

Điều 14. Sử dụng phương tiện đi lại

1. Việc sử dụng phương tiện đi lại của cơ quan, tổ chức phải đúng mục đích, đúng đối tượng và không được vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng phương tiện đi lại phải xây dựng và thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc bảo quản phương tiện đi lại, sử dụng nhiên liệu theo đúng định mức tiêu hao.

3. Cơ quan, tổ chức phải thanh lý kịp thời các phương tiện đi lại đã được thay thế theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này và nộp tiền thu được vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện chế độ sử dụng phương tiện đi lại theo các phương thức sau đây:

a) Trang bị phương tiện đi lại theo chức danh, chức vụ, địa bàn công tác;

b) Thuê phương tiện đi lại của doanh nghiệp dịch vụ để phục vụ công việc;

c) Khoán kinh phí cho người có tiêu chuẩn, chế độ sử dụng phương tiện đi lại.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này gây lãng phí thì phải bồi thường và bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật.

Điều 15. Mua sắm, trang bị phương tiện, thiết bị làm việc

1. Việc mua sắm, trang bị phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức phải đúng đối tượng, phục vụ thiết thực, hiệu quả cho công việc, đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ theo quy định do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành; không được mua sắm, trang bị phương tiện, thiết bị làm việc sai đối tượng, vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

2. Cơ quan, tổ chức phải bố trí, phân công người quản lý, sử dụng và mở sổ theo dõi các loại phương tiện, thiết bị làm việc.

3. Người quyết định mua sắm, trang bị phương tiện, thiết bị làm việc và những người có liên quan vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này gây lãng phí thì phải bồi thường và bị xử lý kỷ luật.

Điều 16. Sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc đúng mục đích; nghiêm cấm sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc vào việc riêng. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xây dựng quy chế nội bộ về sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc; xử lý hoặc báo cáo cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý phương tiện, thiết bị làm việc không cần sử dụng hoặc không còn sử dụng được bằng hình thức điều chuyển, thu hồi, thanh lý hoặc bán theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này gây lãng phí thì phải bồi thường và bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật.

Điều 17. Mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện thông tin, liên lạc

1. Việc mua sắm, trang bị phương tiện thông tin, liên lạc tại trụ sở làm việc phải theo yêu cầu công việc, không được vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Phương tiện thông tin, liên lạc tại trụ sở làm việc chỉ được sử dụng vào mục đích công vụ.

2. Việc trang bị, sử dụng phương tiện thông tin, liên lạc cho cá nhân hoặc tại nhà riêng của cán bộ, công chức phải theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và dự toán được duyệt; thực hiện khoán đến người sử dụng khoản kinh phí này.

3. Cơ quan, tổ chức phải xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế nội bộ về sử dụng tiết kiệm phương tiện thông tin, liên lạc; rà soát toàn bộ phương tiện thông tin, liên lạc thuộc phạm vi quản lý, thu hồi những phương tiện được trang bị không đúng đối tượng và lập kế hoạch trang bị, điều chuyển phương tiện thông tin, liên lạc phù hợp với yêu cầu công việc, tiết kiệm và hiệu quả.

4. Người quyết định mua sắm, trang bị, người sử dụng phương tiện thông tin, liên lạc và những người có liên quan vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này gây lãng phí thì phải bồi thường và bị xử lý kỷ luật.

Điều 18. Quản lý, sử dụng khoản hoa hồng

1. Người được cơ quan, tổ chức giao mua sắm phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị làm việc, tài sản khác hoặc thanh toán dịch vụ nếu có khoản hoa hồng thì phải kê khai, nộp lại cơ quan, tổ chức để quản lý, sử dụng cho hoạt động của cơ quan, tổ chức đó. Việc quản lý, sử dụng khoản hoa hồng từ mua sắm tài sản, thanh toán dịch vụ phải công khai, minh bạch. Nghiêm cấm giữ lại khoản hoa hồng để sử dụng sai mục đích.

2. Người nào vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này thì phải hoàn trả cho cơ quan, tổ chức khoản hoa hồng đã nhận và bị xử lý kỷ luật.

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2005

  • Số hiệu: 48/2005/QH11
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 29/11/2005
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: 29/12/2005
  • Số công báo: Từ số 33 đến số 34
  • Ngày hiệu lực: 01/06/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH