Hệ thống pháp luật

Chương 2 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999

Chương 2:

QUÂN HÀM, CHỨC VỤ SĨ QUAN

Điều15. Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan

1. Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ cơ bản của sĩ quan được quy định như sau:

Trung đội trưởng Thượng uý;

Đại đội trưởng Đại uý;

Tiểu đoàn trưởng Thiếu tá;

Trung đoàn trưởng, Huyện đội trưởng Trung tá;

Lữ đoàn trưởng Thượng tá;

Sư đoàn trưởng, Tỉnh đội trưởng Đại tá;

Tư lệnh Quân đoàn Thiếu tướng;

Tư lệnh Quân khu, Tư lệnh Quân chủng Trung tướng;

Chủ nhiệm Tổng cục Trung tướng;

Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Đại tướng;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng.

2. Cấp bậc quân hàm cao nhất của chức vụ tương đương với chức vụ tương ứng quy định tại khoản 1 Điều này và các chức vụ còn lại do cấp có thẩm quyền quy định.

3. Sĩ quan ở đơn vị có nhiệm vụ đặc biệt hoặc ở lực lượng quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trọng yếu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì cấp bậc quân hàm cao nhất cao hơn một bậc so với cấp bậc quân hàm cao nhất của chức vụ tương ứng quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 16. Đối tượng được phong quân hàm sĩ quan tại ngũ

Những người sau đây được xét phong quân hàm sĩ quan tại ngũ:

1. Học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan tại ngũ được phong quân hàm Thiếu uý; trường hợp tốt nghiệp loại giỏi hoặc tốt nghiệp loại khá mà đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thì được phong quân hàm Trung uý;

2. Hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời chiến; quân nhân chuyên nghiệp và công chức quốc phòng tại ngũ; cán bộ, công chức ngoài quân đội và những người tốt nghiệp đại học trở lên vào phục vụ tại ngũ được bổ nhiệm giữ chức vụ của sĩ quan thì được phong cấp bậc quân hàm sĩ quan tương xứng.

Điều 17. Thăng quân hàm đối với sĩ quan tại ngũ

1. Sĩ quan tại ngũ được thăng quân hàm khi có ba điều kiện sau đây:

a) Đủ tiêu chuẩn theo quy định;

b) Cấp bậc quân hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc quân hàm cao nhất quy định đối với chức vụ đang đảm nhiệm;

c) Đủ thời hạn xét thăng quân hàm quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Thời hạn xét thăng quân hàm đối với sĩ quan tại ngũ được quy định như sau:

Thiếu uý lên Trung uý 2 năm;

Trung uý lên Thượng uý 3 năm;

Thượng uý lên Đại uý 3 năm;

Đại uý lên Thiếu tá 4 năm;

Thiếu tá lên Trung tá 4 năm;

Trung tá lên Thượng tá 4 năm;

Thượng tá lên Đại tá 4 năm;

Thăng quân hàm cấp Tướng không quy định thời hạn.

Thời gian sĩ quan học tập tại trường được tính vào thời hạn xét thăng quân hàm.

Trong thời chiến, thời hạn xét thăng quân hàm có thể được rút ngắn theo quy định của cấp có thẩm quyền.

3. Sĩ quan lập công đặc biệt xuất sắc thì được xét thăng quân hàm vượt bậc.

Điều 18. Thăng quân hàm sĩ quan trước thời hạn

Sĩ quan được xét thăng quân hàm trước thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này trong các trường hợp sau đây:

1. Trong chiến đấu lập chiến công xuất sắc hoặc trong công tác, nghiên cứu khoa học được tặng Huân chương;

2. Hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ mà cấp bậc quân hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc quân hàm cao nhất quy định đối với chức vụ mà sĩ quan đang đảm nhiệm từ hai bậc trở lên.

Điều 19. Kéo dài thời hạn xét thăng quân hàm sĩ quan

1. Sĩ quan đến thời hạn xét thăng quân hàm mà chưa đủ điều kiện thì được xét thăng quân hàm vào những năm tiếp theo, nhưng không quá thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này; nếu hết thời hạn đó vẫn không được thăng quân hàm thì thôi phục vụ tại ngũ.

2. Trong thời hạn xét thăng quân hàm, sĩ quan bị kỷ luật cảnh cáo, giáng chức, cách chức hoặc trong năm cuối của thời hạn xét thăng quân hàm, sĩ quan bị kỷ luật khiển trách thì thời hạn xét thăng quân hàm phải kéo dài ít nhất một năm.

3. Sĩ quan bị kỷ luật giáng cấp bậc quân hàm, sau ít nhất một năm kể từ ngày bị giáng cấp, nếu tiến bộ thì được xét thăng quân hàm.

Điều 20. Mức thăng, giáng cấp bậc quân hàm sĩ quan

Việc thăng hoặc giáng cấp bậc quân hàm sĩ quan mỗi lần chỉ được một bậc; trường hợp đặc biệt mới thăng hoặc giáng nhiều bậc.

Điều 21. Bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ đối với sĩ quan

1. Sĩ quan được bổ nhiệm chức vụ khi có nhu cầu biên chế và đủ tiêu chuẩn quy định đối với chức vụ đảm nhiệm.

2. Việc miễn nhiệm chức vụ đối với sĩ quan được thực hiện trong các trường hợp sau đây :

a) Khi thay đổi tổ chức mà không còn biên chế chức vụ sĩ quan đang đảm nhiệm;

b) Sĩ quan không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện đảm nhiệm chức vụ hiện tại;

c) Sĩ quan hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật này mà không được kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ.

3. Sĩ quan có thể được giao chức vụ thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ có quy định cấp bậc quân hàm cao nhất thấp hơn cấp bậc quân hàm hiện tại trong những trường hợp sau đây:

a) Tăng cường cho nhiệm vụ đặc biệt;

b) Thay đổi tổ chức, biên chế;

c) Điều chỉnh để phù hợp với năng lực, sức khoẻ của sĩ quan.

Điều 22. Quan hệ cấp bậc, chức vụ của sĩ quan

Sĩ quan có cấp bậc quân hàm cao hơn là cấp trên của sĩ quan có cấp bậc quân hàm thấp hơn; trường hợp sĩ quan có chức vụ cao hơn nhưng có cấp bậc quân hàm bằng hoặc thấp hơn cấp bậc quân hàm của sĩ quan thuộc quyền thì sĩ quan có chức vụ cao hơn là cấp trên.

Điều 23. Quyền tạm đình chỉ chức vụ đối với sĩ quan trong trường hợp khẩn cấp

Trường hợp khẩn cấp mà sĩ quan thuộc quyền không chấp hành mệnh lệnh có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng thì sĩ quan có chức vụ từ Trung đoàn trưởng trở lên được quyền tạm đình chỉ chức vụ đối với sĩ quan đó và chỉ định người thay thế tạm thời, đồng thời phải báo cáo ngay cấp trên trực tiếp.

Điều 24. Biệt phái sĩ quan

Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, sĩ quan tại ngũ được biệt phái đến công tác ở cơ quan, tổ chức ngoài quân đội, do cấp có thẩm quyền quyết định.

Điều 25. Thẩm quyền quyết định đối với sĩ quan

1. Thẩm quyền bổ nhiệm chức vụ, phong, thăng quân hàm đối với sĩ quan được quy định như sau:

a) Chủ tịch nước bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; phong, thăng quân hàm Đại tướng, Thượng tướng, Đô đốc Hải quân;

b) Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Chủ nhiệm Tổng cục, Tư lệnh Quân khu, Tư lệnh Quân chủng, Tư lệnh Quân đoàn và các chức vụ tương đương; phong, thăng quân hàm Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân, Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân;

c) Việc bổ nhiệm các chức vụ thuộc ngành Kiểm sát, Toà án, Thi hành án trong quân đội được thực hiện theo quy định của pháp luật;

d) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm các chức vụ và phong, thăng các cấp bậc quân hàm còn lại.

2. Cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm đến chức vụ, cấp bậc nào thì có quyền quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ, nâng lương, điều động, biệt phái, miễn nhiệm, giao chức vụ thấp hơn, giáng chức, cách chức, tước quân hàm, giáng cấp bậc quân hàm sĩ quan, cho thôi phục vụ tại ngũ, chuyển ngạch, chuyển hạng và giải ngạch sĩ quan dự bị đến chức vụ, cấp bậc đó.

Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999

  • Số hiệu: 16/1999/QH10
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 21/12/1999
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: 15/02/2000
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 01/04/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH