Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 6 Luật Đường sắt 2005

MỤC 2

BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT

Điều 73. Hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt

1. Hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt bao gồm:

a) Bảo đảm an toàn về người, phương tiện, tài sản của Nhà nước và của nhân dân trong hoạt động giao thông vận tải đường sắt;

b) Bảo đảm điều hành tập trung, thống nhất hoạt động giao thông vận tải trên đường sắt quốc gia hoặc đường sắt đô thị.

2. Tổ chức, cá nhân phải chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt của pháp luật về đường sắt.

3. Hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

4. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giao thông vận tải đường sắt, lực lượng bảo vệ đường sắt có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt. Lực lượng công an và chính quyền địa phương các cấp nơi có nhà ga và tuyến đường sắt đi qua, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt.

Điều 74. Nội dung điều hành giao thông vận tải đường sắt

1. Điều hành giao thông vận tải trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị bao gồm các nội dung sau đây:

a) Lập và phân bổ biểu đồ chạy tàu bảo đảm không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt; công bố biểu đồ chạy tàu;

b) Chỉ huy điều độ chạy tàu thống nhất, tập trung, bảo đảm an toàn, thông suốt theo biểu đồ chạy tàu đã công bố, theo đúng lịch trình chạy tàu, quy trình, quy phạm và mệnh lệnh của cấp trên;

c) Chỉ huy xử lý các sự cố khẩn cấp hoặc bất thường xảy ra trên đường sắt; huy động phương tiện, thiết bị và nhân lực của các doanh nghiệp trong ngành đường sắt phục vụ cho công tác cứu hộ và khắc phục sự cố trên đường sắt; tham gia phân tích nguyên nhân xảy ra sự cố; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải đường sắt áp dụng các biện pháp phòng chống sự cố, nâng cao chất lượng, độ tin cậy, độ an toàn của giao thông vận tải đường sắt;

d) Tạm đình chỉ chạy tàu khi xét thấy có nguy cơ mất an toàn chạy tàu; điều chỉnh hành trình các tàu trên từng khu đoạn, từng tuyến, toàn mạng đường sắt để khôi phục biểu đồ chạy tàu sau tai nạn, sự cố;

đ) Ký hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt trong việc sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt để chạy tàu; ký hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt để cung cấp dịch vụ điều hành và các dịch vụ liên quan đến giao thông vận tải đường sắt;

e) Thu nhận và tổng hợp thông tin liên quan đến công tác điều hành giao thông vận tải đường sắt;

g) Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi chứng chỉ an toàn của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt khi phát hiện thấy doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện quy định trong chứng chỉ an toàn;

h) Phối hợp điều hành giao thông vận tải đường sắt với các tổ chức đường sắt quốc tế.

2. Nguồn tài chính cho hoạt động điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị bao gồm:

a) Phí cung cấp dịch vụ điều hành hoạt động giao thông vận tải đường sắt;

b) Các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Điều 75. Chứng chỉ an toàn

1. Để được tham gia hoạt động giao thông vận tải đường sắt, doanh nghiệp kinh doanh đường sắt phải có chứng chỉ an toàn do cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt cấp.

2. Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt được cấp chứng chỉ an toàn phải có điều kiện sau đây:

a) Nhân viên quản lý, điều hành và phục vụ hoạt động giao thông vận tải đường sắt của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt phải được đào tạo phù hợp với các chức danh, cấp bậc kỹ thuật;

b) Phương tiện giao thông đường sắt của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt hoặc do doanh nghiệp thuê phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật đã được cơ quan đăng kiểm chứng nhận và phải phù hợp với kết cấu hạ tầng đường sắt;

c) Kết cấu hạ tầng đường sắt của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt phải bảo đảm an toàn, phù hợp với cấp kỹ thuật của đường sắt đã được doanh nghiệp công bố trong công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng và các thông tin liên quan đến hoạt động giao thông vận tải đường sắt.

3. Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể điều kiện, nội dung, thủ tục cấp chứng chỉ an toàn và loại hình doanh nghiệp kinh doanh đường sắt phải có chứng chỉ an toàn.

Điều 76. Biểu đồ chạy tàu

1. Biểu đồ chạy tàu là cơ sở của việc tổ chức chạy tàu, được xây dựng hàng năm, hàng kỳ và theo mùa cho từng tuyến và toàn mạng lưới đường sắt. Biểu đồ chạy tàu phải được xây dựng theo nguyên tắc không phân biệt đối xử và công bố công khai cho mọi doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt.

2. Việc xây dựng biểu đồ chạy tàu phải căn cứ vào các yếu tố sau đây:

a) Nhu cầu của doanh nghiệp vận tải về thời gian vận tải, khối lượng hàng hóa, số lượng hành khách và chất lượng vận tải; tuyến vận tải, các ga đi, dừng và đến;

b) Năng lực của kết cấu hạ tầng đường sắt và của phương tiện vận tải đường sắt;

c) Yêu cầu về thời gian cho việc bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt;

d) Thứ tự ưu tiên các tàu chạy trên cùng một tuyến.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định thứ tự ưu tiên các tàu.

Điều 77. Trình tự xây dựng biểu đồ chạy tàu

1. Dự thảo biểu đồ chạy tàu phải căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 76 của Luật này và phải được gửi cho các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt và cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt.

2. Trong trường hợp có doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt không thống nhất với dự thảo biểu đồ chạy tàu thì tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt chủ trì việc đàm phán, thỏa thuận của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có liên quan. Trường hợp không đạt được thoả thuận thì tổ chức đấu thầu và doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt trả phí sử dụng kết cấu hạ tầng cao nhất sẽ được phân bổ giờ chạy tàu theo nhu cầu của doanh nghiệp.

3. Quá trình tiến hành xây dựng biểu đồ chạy tàu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt giám sát.

Điều 78. Nguyên tắc điều độ chạy tàu

Điều độ chạy tàu phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

1. Điều hành tập trung, thống nhất; tuân thủ biểu đồ chạy tàu đã công bố, quy trình, quy phạm chạy tàu;

2. Bảo đảm giao thông vận tải đường sắt an toàn, thông suốt theo biểu đồ chạy tàu;

3. Không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt.

Điều 79. Xử lý khi phát hiện sự cố, vi phạm trên đường sắt

1. Người phát hiện các hành vi, sự cố có khả năng gây cản trở, gây mất an toàn giao thông vận tải đường sắt có trách nhiệm kịp thời báo cho nhà ga, đơn vị đường sắt, chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an nơi gần nhất biết để có biện pháp xử lý; trường hợp khẩn cấp, phải thực hiện ngay các biện pháp báo hiệu dừng tàu.

2. Tổ chức, cá nhân nhận được tin báo hoặc tín hiệu dừng tàu khẩn cấp phải có ngay biện pháp xử lý bảo đảm an toàn giao thông vận tải đường sắt và thông báo cho đơn vị trực tiếp quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt biết để chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục.

3. Tổ chức, cá nhân có hành vi gây sự cố cản trở, mất an toàn giao thông vận tải đường sắt phải bị xử lý và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điều 80. Trách nhiệm bảo vệ trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt

1. Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt có trách nhiệm tổ chức bảo vệ trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt thuộc phạm vi quản lý của doanh nghiệp; chủ trì, phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương để phòng ngừa, ngăn chặn và giải quyết theo thẩm quyền hành vi vi phạm pháp luật về đường sắt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

2. Lực lượng bảo vệ trên tàu có trang thiết bị, trang phục, phù hiệu, công cụ hỗ trợ theo quy định của Chính phủ và có các nhiệm vụ sau đây:

a) Phát hiện, ngăn chặn hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tài sản, gây rối trật tự, an toàn và các hành vi khác vi phạm pháp luật xảy ra trên tàu; tạm giữ theo thủ tục hành chính và dẫn giải người vi phạm giao cho trưởng ga, công an hoặc chính quyền địa phương khi tàu dừng tại ga gần nhất;

b) Ngăn chặn, tiến hành các biện pháp cưỡng chế đối với người có hành vi ngăn cản việc chạy tàu trái pháp luật, ném đất, đá hoặc các vật khác làm hư hỏng, mất vệ sinh tàu; tạm giữ theo thủ tục hành chính và dẫn giải người vi phạm giao cho trưởng ga, cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương khi tàu dừng tại ga gần nhất;

c) Phối hợp với lực lượng bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, lực lượng công an và chính quyền địa phương kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt, gây mất an toàn giao thông vận tải đường sắt;

d) Tham gia giải quyết, khắc phục sự cố, thiên tai, tai nạn giao thông vận tải đường sắt quy định tại Điều 11 và Điều 37 của Luật này.

Điều 81. Trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt của lực lượng công an

Lực lượng công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với lực lượng bảo vệ đường sắt, thanh tra đường sắt, cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên đường sắt và chính quyền địa phương nơi có ga đường sắt, tuyến đường sắt đi qua tổ chức bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt.

Điều 82. Trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt của Uỷ ban nhân dân

1. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này để nâng cao ý thức của nhân dân trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

2. Uỷ ban nhân dân các cấp nơi có ga đường sắt, tuyến đường sắt đi qua có trách nhiệm sau đây:

a) Chỉ đạo lực lượng công an địa phương phối hợp với lực lượng bảo vệ đường sắt ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt và các hành vi khác vi phạm pháp luật về an toàn giao thông vận tải đường sắt;

b) Tham gia giải quyết tai nạn giao thông đường sắt theo quy định tại Điều 11 của Luật này.

Luật Đường sắt 2005

  • Số hiệu: 35/2005/QH11
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 14/06/2005
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: 20/08/2005
  • Số công báo: Từ số 23 đến số 24
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH