Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 6 Luật Dạy nghề 2006

Mục 1

GIÁO VIÊN DẠY NGHỀ

Điều 58. Giáo viên dạy nghề

1. Giáo viên dạy nghề là người dạy lý thuyết, dạy thực hành hoặc vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành trong các cơ sở dạy nghề.

2. Giáo viên dạy nghề phải có những tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 70 của Luật giáo dục.

3. Trình độ chuẩn của giáo viên dạy nghề được quy định như sau:

a) Giáo viên dạy lý thuyết trình độ sơ cấp nghề phải có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên; giáo viên dạy thực hành phải là người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao;

b) Giáo viên dạy lý thuyết trình độ trung cấp nghề phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm kỹ thuật hoặc đại học chuyên ngành; giáo viên dạy thực hành phải là người có bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao;

c) Giáo viên dạy lý thuyết trình độ cao đẳng nghề phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm kỹ thuật hoặc đại học chuyên ngành trở lên; giáo viên dạy thực hành phải là người có bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao;

d) Trường hợp giáo viên dạy nghề quy định tại các điểm a, b và c của khoản này không có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm kỹ thuật hoặc đại học sư phạm kỹ thuật thì phải có chứng chỉ đào tạo sư phạm.

Điều 59. Nhiệm vụ và quyền của giáo viên dạy nghề

1. Giáo viên dạy nghề có các nhiệm vụ quy định tại Điều 72 của Luật giáo dục.

2. Giáo viên dạy nghề có các quyền quy định tại Điều 73 của Luật giáo dục và các quyền sau đây:

a) Được đi thực tế sản xuất, tiếp cận với công nghệ mới;

b) Được sử dụng các tài liệu, phương tiện, đồ dùng dạy học, thiết bị và cơ sở vật chất của cơ sở dạy nghề để thực hiện nhiệm vụ được giao;

c) Được tham gia đóng góp ý kiến về chủ trương, kế hoạch của cơ sở dạy nghề, xây dựng chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy và các vấn đề có liên quan đến quyền lợi của giáo viên.

Điều 60. Tuyển dụng, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với giáo viên dạy nghề

1. Tuyển dụng giáo viên dạy nghề ở cơ sở dạy nghề công lập phải bảo đảm các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 58 của Luật này và được thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về lao động.

2. Tuyển dụng giáo viên dạy nghề ở các cơ sở dạy nghề tư thục phải bảo đảm các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 58 của Luật này và được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

3. Việc bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề, tin học, ngoại ngữ đối với giáo viên dạy nghề thực hiện theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương.

Điều 61. Thỉnh giảng

1. Cơ sở dạy nghề được mời người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 58 của Luật này đến giảng dạy theo chế độ thỉnh giảng.

2. Người được mời thỉnh giảng phải thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 72 của Luật giáo dục.

3. Người được mời thỉnh giảng là cán bộ, công chức phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ ở nơi mình công tác.

Điều 62. Chính sách đối với giáo viên dạy nghề

1. Được hưởng chính sách bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chính sách tiền lương, chính sách đối với nhà giáo công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại các điều 80, 81 và 82 của Luật giáo dục.

2. Được hưởng phụ cấp khi dạy thực hành các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của Chính phủ và được hưởng các chính sách khác đối với nhà giáo.

Luật Dạy nghề 2006

  • Số hiệu: 76/2006/QH11
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 29/11/2006
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Phú Trọng
  • Ngày công báo: 23/06/2007
  • Số công báo: Từ số 406 đến số 407
  • Ngày hiệu lực: 01/06/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH