Hệ thống pháp luật

lời nói sau cùng của bị cáo

"lời nói sau cùng của bị cáo" được hiểu như sau:

Lời trình bày của bị cáo tại phiên tòa sau khi chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc tranh luận.Quy định về bị cáo được trình bày lời nói sau cùng trước khi Hội đồng xét xử vào phòng nghị án được quy định tại Thông tư số 2225/HCTP ngày 24.10.1956 của Bộ Tư pháp về chấn chỉnh việc thực hiện quyền bào chữa của bị cáo và Thông tư số 06/TC ngày 09.9.1967 của Tòa án nhân dân tối cao về việc bảo đảm thực hiện quyền bào chữa của bị can, bị cáo. Theo đó, bị cáo được trình bày lời nói sau cùng để thực hiện quyền tự bào chữa của mình trước khi Hội đồng xét xử vào phòng nghị án. Quy định này được pháp điển hóa và ghi nhận tại Điều 34 và Điều 194 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 và Điều 210 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Trong lời nói sau cùng, bị cáo được trình bày những vấn đề mà họ cho là cần thiết nhất đối với mình để đề nghị Hội đồng xét xử xem xét khi nghị án. Ví dụ: Nếu bị cáo nhận tội thì họ có thể đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt hoặc cho hưởng án treo; nếu không nhận tội thì đề nghị Hội đồng xét xử lưu ý các chứng cứ gỡ tội...Khi bị cáo nói lời sau cùng, Hội đồng xét xử không được đặt câu hỏi và hạn chế thời gian trình bày của bị cáo nhưng có quyền yêu cầu bị cáo không nhắc lại chi tiết những vấn đề đã được xét hỏi, không được trình bày những điểm không liên quan đến vụ án. Nếu trong lời nói sau cùng, bị cáo trình bày thêm tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc xét hỏi, sau đó lại cho tranh luận về những vấn đề mới được xét hỏi.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, lời nói sau cùng của bị cáo được quy định tại Điều 324 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.