Hệ thống pháp luật

Lập di chúc có cần chữ ký của các con?

Ngày đăng: 28/04/2021 lúc 08:42:37

Lập di chúc để lại tài sản của mình cho người khác sau khi chết là việc không còn quá xa lạ trong cuộc sống hiện nay, Tuy nhiên, khá nhiều người thắc mắc, lập di chúc có cần chữ ký của tất cả các con không?

Lập di chúc có cần chữ ký của các con?

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Bộ luật dân sự 2015 quy định để một di chúc có hiệu lực thì di chúc đó phải thỏa mãn đầy đủ yếu tố: Chủ thể, nội dung, hình thức.

Điều kiện về chủ thể: Người lập di chúc là người từ đủ 18 tuổi có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi có thể lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Sự đồng ý ở đây là sự đồng ý cho họ lập di chúc, còn về nội dung di chúc do chính người chưa thành niên đó quyết định. Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Đây là điều kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá di chúc có giá trị pháp lý hay không.

Điều kiện về nội dung của di chúc: Nội dung của di chúc chứa đựng toàn bộ những quyết định của người để lại di sản trong việc định đoạt sản của người lập di chúc sau khi chết. Di chúc là một giao dịch dân sự, do vậy, di chúc cũng cần tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong đó có điều kiện về nội dung của di chúc. Cụ thể, nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Điều kiện về mặt hình thức:Về mặt hình thức, di chúc được thể hiện dưới một trong hai hình thức bao gồm: di chúc bằng văn bản và di chúc miệng. Bộ luật dân sự 2015 có quy định riêng về hình thức với di chúc của từng đối tượng lập di chúc đặc thù như sau:

Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực

Như vậy, Bộ luật Dân sự 2015 hoàn toàn không đề cập đến việc di chúc phải có chữ ký của con thì mới phát sinh hiệu lực. Từ những quy định của pháp luật có thể thấy, một di chúc khi đã thỏa mãn được ba điều kiện kể trên thì nó sẽ phát sinh hiệu lực từ thời điểm mở di sản thừa kế mà không cần có chữ ký của các con.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam