Hệ thống pháp luật

lao động tàn tật

"lao động tàn tật" được hiểu như sau:

(Người) lao động có bộ phận của cơ thể (chân, tay, cột sống...) bị khuyết tật, chức năng của cơ thể (nghe,.nhìn...) bị tổn thương nên khả năng lao động của họ bị suy giảm.Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có Công ước số 128 (năm 1967) về trợ cấp tàn tật và Công ước 159 số (năm 1983) về tái thích ứng nghề nghiệp, việc làm cho lao động tàn tật. Một số nước có luật bảo vệ người tàn tật, trong đó có lao động tàn tật. Ở Việt Nam, lần đầu tiên chế độ lao động của người tàn tật được quy định trong Bộ luật lao động năm 1994. Để tạo điều kiện cho lao động tàn tật có việc làm, Nhà nước quy định tỷ lệ lao động tàn tật mà các doanh nghiệp phải nhận, nếu không nhận đủ tỉ lệ này, người sử dụng lao động phải đóng một khoản tiền vào quỹ giải quyết việc làm cho người tàn tật. Nhà nước khuyến khích, ưu đãi về việc vay vốn, giảm thuế... cho người sử dụng nhiều lao động tàn tật, dạy nghề cho người tàn tật. Các lao động tàn tật được giảm thời gian làm việc, nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên thì không phải làm thêm giờ, làm đêm. Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động tàn tật làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành. Người lao động là thương binh, bệnh binh, ngoài các quyền lợi được quy định còn được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, lao động là người tàn tật được quy định tại Mục 4 Chương XI Bộ luật lao động năm 2012 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 18 tháng 6 năm 2012.