Hệ thống pháp luật

Kiện đòi lại tài sản đối với động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình

Ngày gửi: 14/08/2018 lúc 22:04:48

Mã số: HTPL15219

Câu hỏi:

Kiện đòi lại tài sản đối vớiđộng sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Điều 258 Bộ luật dân sự 2005 quy định:

“Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản, trừ trường hợp người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa”.

Nội dung Điều 258 BLDS 2005 đề cập đến trường hợp : chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình. Những tài sản phải đăng ký quyền sở hữu khi chuyển giao cho người khác cần phải sang tên tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người chiếm hữu tài sản buộc phải biết tài sản đó thuộc về ai… vì thế nếu người chủ sở hữu không chuyển quyền sở hữu, thì người chiếm giữ bất hợp pháp ngay tình không thể có quyền sở hữu đối với tài sản và họ phải hoàn trả tài sản trong trường hợp chủ sở hữu có yêu cầu.

BLDS năm 2005 đã khẳng định: tồn tại những người chiếm hữu ngay tình động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản. Tuy nhiên, về vấn đề người chiếm hữu ngay tình được quy định tại Điều 258 Bộ luật dân sự 2005, cho đến nay vẫn tồn tại hai quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất: Trong mọi trường hợp, nếu người thiết lập giao dịch có đối tượng là động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản nhưng không thể biết được nguồn gốc, tình trạng bất hợp pháp của tài sản, họ đều được coi là người thứ ba chiếm hữu ngay tình.

Quan điểm thứ hai: Chỉ người nhận được tài sản thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa mới được công nhận là người thứ ba chiếm hữu ngay tình (với điều kiện những người này không biết việc chiếm hữu của mình là không dựa trên căn cứ do pháp luật quy định). Nói cách khác, những người theo quan điểm này cho rằng quy định về người thứ ba chiếm hữu ngay tình tại Điều 258 chỉ đề cập đến người chiếm hữu trong hai trường hợp duy nhất này, những trường hợp khác đều bị coi là chiếm hữu không ngay tình.

Cho dù theo quan điểm nào trong hai quan điểm nêu trên, vấn đề cơ bản, và mang tính thực tế cần phải lưu ý là: trừ hai ngoại lệ đối với người chiếm hữu ngay tình, chủ sở hữu đều có quyền kiện đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản từ người chiếm hữu bất hợp pháp và người bị kiện sẽ phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp. Sở dĩ, chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu ngay tình động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản, trừ hai trường hợp ngoại lệ, bởi vì “tài sản giao dịch là bất động sản hoặc là động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu…” (khoản 2 Điều 138 BLDS năm 2005). Hơn nữa, cá nhân, tổ chức dễ dàng trong việc chứng minh quyền sở hữu với động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản hơn so với chứng minh sở hữu động sản không phải đăng ký quyền sở hữu. Tuy nhiên, khi chủ sở hữu đòi lại tài sản từ người thứ ba chiếm hữu ngay tình, người thứ ba có quyền yêu cầu người đã thiết lập giao dịch với mình phải hoàn trả tài sản mà người thứ ba đã chuyển cho người kia để có được động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản.

Như vậy, nếu động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản đã được chuyển giao cho người thứ ba chiếm hữu ngay tình, về nguyên tắc, chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản của mình từ người chiếm hữu ngay tình. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những trường hợp ngoại lệ mà chủ sở hữu không được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người thứ ba chiếm hữu ngay tình, đó là các trường hợp:

Thứ nhất: Người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản thông qua bán đấu giá;

Người mua được tài sản bán đấu giá từ một cuộc bán đấu giá do Trung tâm bán đấu giá tài sản, Tổ chức kinh doanh dịch vụ bán đấu giá hoặc Hội đồng bán đấu giá tài sản thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản mà không biết và không thể biết được về nguồn gốc, tình trạng pháp lý của tài sản bán đấu giá thì người mua được coi là chiếm hữu ngay tình. Chủ sở hữu không được kiện đòi tài sản từ người chiếm hữu ngay tình.

Thứ hai: Người thứ ba chiếm hữu ngay tình giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.

1. Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm nếu Toà án cấp sơ thẩm quyết định không đúng pháp luật.

2. Hội đồng xét xử phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.

3. Hội đồng xét xử phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án nếu trong quá trình giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm, vụ án thuộc trường hợp pháp luật quy định.

4. Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại

5. Hội đồng giám đốc thẩm quyết định huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án, nếu vụ án đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự.

6. Hội đồng tái thẩm có quyền: Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại; Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án.

 Các điều kiện áp dụng  trường hợp ngoại lệ này là:

– Người thiết lập giao dịch với người là chủ sở hữu tài sản theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải là người chiếm hữu ngay tình. Người này không biết và không thể biết người thiết lập giao dịch với mình không phải là chủ sở hữu tài sản;

 – Giao dịch được thiết lập giữa người thứ ba chiếm hữu ngay tình với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản;

– Do bản án, quyền định bị huỷ, sửa nên người thiết lập giao dịch giao dịch với người thứ ba ngay tình không còn là chủ sở hữu tài sản nữa. Thông thường, bản án, quyết định của Toà án bị huỷ, sửa do vi phạm của cơ quan tiến hành tố tụng, trừ những trường hợp huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng dẫn đến người thứ ba ngay tình được bảo vệ khi bản án, quyết định của Toà án bị huỷ, sửa.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 024.6294.9155

Nhìn chung, nếu tài sản phải đăng ký quyền sở hữu được chuyển giao cho người khác thông qua việc bán đấu giá hoặc giao dịch với người thứ ba mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu và sau đó bản án hoặc quyết định đó bị huỷ, thì người mua có quyền sở hữu đối với tài sản. Chủ sở hữu kiện người gây thiệt hại cho mình phải bồi thường giá trị tài sản. Trường hợp này, người mua hoàn toàn không có lỗi trong việc mua bán. Đây là lỗi của Toà án hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc công nhận quyền sở hữu cho chủ sở hữu vì thế, Toà án hoặc cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm dân sự theo Điều 619 hoặc Điều 620 Bộ luật dân sự.

Nhận xét: BLDS năm 2005 đã có sự quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình và kiện đòi lại tài sản từ người chiếm hữu ngay tình (Điều 257 và Điều 258). Có thể nói đây là một bước tiến rất lớn. BLDS năm 2005 quy định cụ thể, chi tiết hơn về những vấn đề này với mục đích bảo vệ và dung hoà lợi ích của chủ sở hữu và người thứ ba chiếm hữu ngay tình, đồng thời đảm bảo sự ổn định trong giao lưu dân sự

Tuy nhiên, phân tích trên đây cho thấy: quy định về quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động từ người chiếm hữu ngay tình tại Điều 258 còn những điểm cần phải làm rõ. Do đó, để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn giải quyết loại việc này, Toà án nhân dân tối cao cần giải thích cụ thể hơn quy định tại Điều 258 trong văn bản hướng dẫn xét xử.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM