Hệ thống pháp luật

Không được làm công việc theo hợp đồng xuất khẩu lao động

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13

Mã số: LD97

Câu hỏi:

Thưa luật sư. Tôi đi xuất khẩu lao động Síp công ty thu của tôi 6600 USD nhưng lại không viết hóa đơn cho tôi. Khi qua bên Síp không đưa vào chủ. Đưa ra lưu vong không giấy tờ. Được 1 năm tôi bị công an nước sở tại bắt và trục xuất. Khi về tôi đã lên công ty nhưng công ty nói khi đã về rồi công ty không giải quyết. Xin hỏi trường hợp của tôi tôi phải làm gì. Tôi muốn lấy lại một phần tiền của mình. Tôi có thể kiện công ty không và đến đâu để kiện.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

- Thứ nhất, về việc công ty không xuất hóa đơn thu tiền cho bạn:
Theo điểm b khoản 1 điều 16
Thông tư 39/2014/TT-BTC đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 26/2015/TT-BTC quy định:
“b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất)."
Như vậy, khi phát sinh hoạt động dịch vụ có thu tiền thì công ty đó phải xuất hóa đơn GTGT cho người mua. Việc công ty thu phí của người lao động không có hóa đơn, chứng từ là trái với quy định của pháp luật.
Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo điểm b khoản 4 điều 11 Thông tư 10/2014/TT-BTC như sau:
"4. Phạt tiền 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
b) Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người mua theo quy định. Cùng với việc bị xử phạt, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải lập hóa đơn giao cho người mua."
- Thứ hai, về việc đi xuất khẩu lao động của bạn:
Trường hợp trong hợp đồng lao động của bạn có ghi rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi bên mà khi sang nước ngoài, công việc của bạn không được thực hiện đúng theo hợp đồng đã thỏa thuận thì bạn có thể kiện công ty đã ký hợp đồng với bạn.
Theo điều 44 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định:
"Điều 44. Quyền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có các quyền sau đây:
1. Yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài cung cấp các thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam về người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thông tin về chính sách, pháp luật có liên quan và phong tục, tập quán của nước tiếp nhận người lao động; quyền và nghĩa vụ của các bên khi đi làm việc ở nước ngoài;
2. Hưởng tiền lương, tiền công, thu nhập khác, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác quy định trong các hợp đồng và điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 40 của Luật này;
3. Được doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động, pháp luật và thông lệ quốc tế trong thời gian làm việc ở nước ngoài; được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện các quyền và hưởng các lợi ích trong Hợp đồng lao động, Hợp đồng thực tập;
4. Chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập và tài sản khác của cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;
5. Hưởng các quyền lợi từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật;
6. Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện về những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài."
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, bạn có thể khởi kiện công ty đó tại tòa án nhân dân nơi công ty đó có trụ sở. Kèm theo đơn khởi kiện là các chứng cứ có liên quan đến vụ việc.
Căn cứ theo khoản 1 điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự quy định:
"1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;"

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM