Hệ thống pháp luật

Không đi xuất khẩu lao động nữa có lấy lại được tiền không?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13

Mã số: LD219

Câu hỏi:

Em đã thi đậu đơn hàng đi xuất khẩu lao động nhật bản. Em đã đóng 3000 USD. Hiện tại thì công ty chưa có lịch bay cho em. Nhưng bây giờ em không muốn đi nữa. Em muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng. Vậy em có thể rút được tiền không và cần những thủ tục gì?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo quy định tại Điểm c Tiểu mục 1 Mục 5 Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006Nghị định số 126/2007/NĐ-CP nquy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì:

Doanh nghiệp dịch vụ phải cam kết với người lao động về thời gian chờ xuất cảnh sau khi người lao động trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài.

Trong thời gian doanh nghiệp dịch vụ đã cam kết, nếu người lao động không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nữa thì doanh nghiệp dịch vụ phải trả lại hồ sơ cho người lao động và người lao động phải chịu các khoản chi phí mà doanh nghiệp dịch vụ đã chi (nếu có) để làm thủ tục cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm: chi phí làm hồ sơ, khám sức khỏe, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí tài liệu học tập, ăn, ở trong thời gian đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm thủ tục nhập cảnh (visa)” .

Như vậy, khi bạn không còn ý định muốn đi xuất khẩu lao động, bạn có thể yêu cầu rút hồ sơ và các giấy tờ đã giao cho công ty là hoàn toàn hợp pháp cũng như khoản tiền bạn đã nộp cho công ty sau khi trừ đi các khoản chi phí mà công ty đã chi trả như chi phí làm hồ sơ, khám sức khỏe, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí tài liệu học tập, ăn, ở trong thời gian đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm thủ tục nhập cảnh (visa).

Ngoài ra, Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH cũng quy định: “Doanh nghiệp dịch vụ chỉ được thu tiền dịch vụ và tiền môi giới của người lao động sau khi ký Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động và người lao động được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp thị thực nhập cảnh (visa).” Như vậy, doanh nghiệp chỉ được thu tiền môi giới của người lao đồng sau khi ký hợp đồng lao động.

Mặt khác, Điều 20 Bộ luật lao động 2012 quy định những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động:

- Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

- Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

Do đó, việc công ty môi giới yêu cầu bạn bảo đảm thực hiện hợp đồng lao động bằng khoản tiền 3.000 USD là trái quy định pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của bạn.

Nếu công ty môi giới không trả lại giấy tờ và tiền cho bạn thì bạn có quyền làm đơn khiếu nại gửi đến người giải quyết khiếu nại lần đầu đó là người đứng đầu tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại hoặc là quá hạn mà vẫn không được giải quyết thì bạn khiếu nại đến Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai. Hoặc bạn có thể kiện ra Tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM