Hệ thống pháp luật

Không chú ý quan sát gây tai nạn giao thông xử lý như thế nào?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL40942

Câu hỏi:

Vào lúc 1h50’ ngày 01/6/2016, tôi điều khiển xe ôtô taxi 7 chổ lưu thông vào hẻm rộng khoảnh 6 m. Trong lúc xuống khách, tôi có mở cửa trước phía tài xế rộng khoảng 40cm nhưng chưa kịp xuống xe thì phía sau có 1 chiếc môtô chạy cùng chiều với tôi đụng vào cửa trước đó. Người này té xuống đường, văng ra khoảng 5 m và cảm thấy khó thở. Sau đó tôi có hô hấp cho nạn nhân khoảng mấy phút thì người nhà nạn nhân chạy ra chở nạn nhân đi bệnh viện Chợ Rẫy. Trong lúc bệnh nhân nằm viện tôi có lên thăm hằng ngày. Bệnh nhân nằm viện được 7 ngày thì mất. Tôi cũng có lên đám tang .Xin hỏi luật sư tôi phải bồi thường cho gia đình nạn nhân như thế nào, có phải chịu trách nhiệm hình sự không và công ty của tôi sẽ hổ trợ tôi và người nhà nạn nhân như thế nào?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Luật giao thông đường bộ 2008

Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP

Bộ luật dân sự 2005

2. Nội dung tư vấn

Căn cứ vào Điểm đ, Khoản 3, Điều 18, Luật giao thông đường bộ 2008, người điều khiển phương tiện "Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn". Trong trường hợp của bạn, bạn đã mở cửa xe khi chưa đảm bảo an toàn. Không quan sát kỹ có người phía sau. Vì vậy, bạn đã vi phạm luật giao thông đường bộ.

Hành vi của bạn đã gây ra hậu quả là người lái xe mô tô tử vong sau 07 ngày điều trị tại bệnh viện. Bạn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại Khoản 1, Điều 202, Bộ luật hình sự 1999 như sau:

"Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm."

Theo quy định bởi Khoản 4.1 Điều 4 Phần 1 Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP như sau:

"4. Về các tình tiết "gây thiệt hại nghiêm trọng", "gây hậu quả rất nghiêm trọng", "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự 

4.1. Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ nếu chỉ căn cứ vào thiệt hại xảy ra, thì gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự: 

a. Làm chết một người; "

Về bồi thường thiệt hại

Căn cứ Khoản 1, Điều 604, Bộ luật dân sự 2005: Người nào do lỗi vô ý xâm phạm tính mạng người khác thì phải bồi thường.

Mức bồi thường sẽ căn cứ theo thiệt hại xảy ra. Trong trường hợp này, thiệt hại có thể được xác định theo Điều 609, Bộ luật dân sự 2005:

"Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định."

Như vậy, khoản bồi thường mà bạn phải chi trả sẽ bao gồm:

– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị hại trước khi chết; (Tiền viện phí, tiền thăm nuôi…)

– Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

– Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

– Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần.

Tuy nhiên, do bạn gây ra tai nạn trong quá trình đang thực hiện công việc được giao nên công ty của bạn có trách nhiệm thay bạn bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Sau đó, bạn có nghĩa vụ phải hoàn trả lại cho công ty của bạn vì lỗi gây tai nạn là do cá nhân bạn Theo Điều 622, Bộ luật dân sự 2005.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM