Hệ thống pháp luật

Khám xét chỗ ở không có lệnh có vi phạm không?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL41326

Câu hỏi:

Tình huống: Hai đồng chí công an đang đuổi tên tội phạm trốn trại, đang có lệnh truy nã. Chạy đến ngõ hẻm bị mất hút, hai dồng chí nghi chạy vào nhà ông A. Hỏi ông A không thấy và đề nghị ông A cho vào khám nhưng ông A không đồng ý. Sợ bị nơi lỏng tên này chạy trốn mất nên hai đồng chí quyết định vào khám nhà ông A. Theo đồng chí thì: a. Hai đồng chí công an có vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của ông A không? vì sao? b. Hai đồng chí công an nên hành động như thế nào cho đúng?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Căn cứ pháp lý:

– Điều 22 Luật Hiến pháp năm 2013;

– Điều 140 Bộ luật tố tụng hình sự 2003;

The như bạn trình bày thì có hai công an đang đuổi tên tội phạm trốn trại, có lệnh truy nã. Sau đó người này chạy đến ngõ hẻm bị mất hút, hai đồng chí nghi ngờ tên tội phạm chạy vào nhà ông A nên đã hỏi nhưng ông A trả lời không thấy. Hai đồng chí có đề nghị ông A cho vào khám nhà nhưng ông A không đồng ý. Sợ bị nơi lỏng tên này chạy trốn mất nên hai đồng chí quyết định vào khám nhà ông A. Như vậy, việc hai đồng chí công an tự ý xông vào nhà ông A khi không có lệnh của cấp trên là vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của ông A. Bởi lẽ:

Theo quy định của pháp luật thì mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được sự đồng ý của người đó. Chỗ ở của công dân được hiểu là nơi đang có người cư trú hợp pháp, có thể là nơi ở thường xuyên, có thể là nơi cư trú trong một thời gian nhất định như nhà thuê…, có thể là nơi đăng ký hộ khẩu hoặc nơi tạm trú, có thể là nơi ở cố định hoặc nơi ở di động (Tàu, thuyền). 

Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án hoặc khi cần phát hiện người đang bị truy nã. Đồng thời, để thực hiện việc khám chỗ ở phải có lệnh khám của những người sau: Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp; Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

Trong trường hợp không thể trì hoãn, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới; Người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng cũng có quyền ra lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi khám xong, người ra lệnh khám phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp. Việc khám chỗ ở phải tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại ĐIều 143 Bộ luật tố tụng hình sự 2003.

Như vậy, chỉ trong trường hợp được pháp luật quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành khám xét chỗ ở của một người. Xét trong trường hợp của bạn thì hai đồng chí công an đã tự ý vào nhà ông A khám xét mà không có sự đồng ý của ông A cũng như không có lệnh khám xét của cơ quan có thẩm quyền là trái với quy định của pháp luật, đã xâm phạm quyền của công dân. 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM