Hệ thống pháp luật

Khái quát về giao dịch dân sự

Ngày gửi: 16/08/2018 lúc 09:36:00

Mã số: HTPL15159

Câu hỏi:

Khái niệm, điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự 2005.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Điều 121 BLDS năm 2005 quy định :

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lí đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Dưới góc độ khoa học, khái niệm giao dịch dân sự được đề cập đến trong nhiều tài liệu khác nhau như:  “giao dịch dân sự là hành vi được thực hiện nhằm thu được kết quả nhất định và pháp luật tạo điều kiện cho kết quả trở thành hiện thực” hay “giao dịch dân sự là một sự kiện pháp lí bao gồm hành vi pháp lí đơn phương hoặc đa phương làm phát sinh hậu quả pháp lí”.

Theo từ điển luật học: giao dịch dân sự là hành vi pháp lí đơn phương hoặc hợp đồng cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, nhằm làm phát sinh thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự.

Qua đây, chúng ta có thể đi đến khái niệm: Giao dịch dân sự là sự thể hiện ý chí một cách tự nguyện của các chủ thể thông qua hợp đồng hoặc hành vi pháp lí đơn phương nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự.

Về điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực:

Bên cạnh nguyên tắc tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên trong giao dịch, thì pháp luật cũng đặt ra một số những yêu cầu tối thiểu buộc các chủ thể phải tuân theo – đó là các điều kiện có hiệu lực của gia dịch dân sự.

Điều 122 BLDS năm 2005 cũng đã quy định rất rõ về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Theo đó, có 4 điều kiện:

Thứ nhất, Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự.

Thuật ngữ “người” ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự: cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác.

Cá nhân: giao dịch dân sự do cá nhân xác lập chỉ có hiệu lực nếu phù hợp với mức độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân. Người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp họ bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành, tuyên bố hạn chế năng lực hành vi thì được quyền xác lập mọi giao dịch dân sự; Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật trừ những giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi; Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự trong phạm vi tài sản riêng mà họ có, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Những người chưa đủ 6 tuổi, người mất năng lực hành vi không được phép xác lập giao dịch. Mọi giao dịch dân sự của những người này đều do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 024.6294.9155

Thứ hai, Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó. Nội dung của giao dịch dân sự là tổng hợp các điều khoản mà các bên đã cam kết, thỏa thuận trong giao dịch. Để giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật thì mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hôi, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Chỉ những tài sản được phép giao dịch, những công việc được phép thực hiện không vi phạm điều cấm pháp luật, không trái đạo đức xã hội mới là đổi tượng của giao dịch dân sự. Những giao dịch xác lập nhằm trốn tránh pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội là những giao dịch có mục đích và nội dung không hợp pháp, không làm phát sinh hiệu lực của giao dịch đó.

Thứ ba, Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.

Bản chất của giao dịch dân sự là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí, cho nên tự nguyện bao gồm các yếu tô cấu thành là tự do ý chí và bày tỏ ý chí. Cụ thể, chủ thể phải có mong muốn bên trong được xác lập giao dịch dân sự và phải thể hiện được mong muốn ra bên ngoài. Giữa mong muốn bên trong và sự thể hiện bên ngoài phải có sự thống nhất.

Thứ tư, Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM