Hệ thống pháp luật

Hưởng đồng thời trợ cấp thương binh và trợ cấp mất sức lao động

Ngày gửi: 12/02/2018 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL30915

Câu hỏi:

Tôi muốn nhờ Luật sư Tư vấn về chính sách trợ cấp mất sức lao động.Tôi nhập ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam vào tháng 9 năm 1972 . Tôi đã bị thương và đơn vị cấp Giấy Chứng Nhận Thương Binh hạng ¾ (41% vĩnh viễn). Sau khi giải phóng Miền Nam tôi tiếp tục tham gia giúp Campuchia. Sau 5 năm rời chiến trường Campuchia tôi chuyển ngành về Phòng thương nghiệp Quận 5 công tác tháng 1/1981 cho đến tháng 12/1989. Hiện nay, sức khỏe tôi không còn là bao, bệnh tật thường xuyên xảy ra . Tôi được UBND quận 5 ra quyết định cho nghỉ mất sức và có sổ trợ cấp mất sức. Nhưng thực ra tôi chỉ được lãnh phần trợ cấp thương tật có từ trước. Tuy có quyết định mất sức nhưng tôi không được lãnh trợ cấp mất sức một tháng nào Vì họ nói tôi đã được trợ cấp thương binh rồi. Khi đọc được Quyết định số 60/HĐBT ký ngày 01/3/1990, Quyết định của Hội đồng bộ trưởng về việc sửa đổi chế độ trợ cấp đối với công nhân, viên chức nghỉ việc vì mất sức lao động. Chiếu theo khoản 2, Điều 2 thì tôi phải được lãnh chế độ mất sức kể từ ngày có quyết định mất sức và không bị cắt khi hết ½ thời gian công tác ghi ở Điều 1 của quyết định này . Vậy theo quyết định này thì quyền lợi của tôi được giải quyết như thế nào?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Hiện nay, theo quy định tại khoản 1, Điều 23 của Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH vào ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc xem xét, giải quyết thương binh đồng thời là người hưởng chế độ mất sức lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

_Có thời gian công tác thực tế từ 20 năm trở lên hoặc chưa đủ 20 năm công tác thực tế nhưng có đủ 15 năm công tác liên tục trong quân đội, công an;

_Nghỉ việc hưởng chế độ mất sức lao động theo Nghị quyết 16/HĐBT ngày 08/2/1982 của Hội đồng Bộ trưởng;

_ Biên bản giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ mất sức lao động đã khám tổng hợp tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật và bệnh tật nhưng sau khi lấy tỷ lệ suy giảm khả năng lao động nói chung (trong biên bản giám định tổng hợp) trừ đi tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật còn lại từ 61% trở lên.

Như vậy, để được hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động bạn cần phải có biên bản tách riêng tỷ lệ suy giảm khả năng lao động nguyên nhân vì bệnh tật. Do bạn không nói rõ trường hợp của bạn việc mất sức nguyên nhân là vì đâu cho nên chúng tôi xin chia thành hai trường hợp:

_ Thứ nhất, mất sức lao động do thương tật. Do bạn nói bạn đã thời gian công tác tại quân đội trong thời kì chiến tranh dẫn đến tình trạng suy giảm sức khỏe và đã được cấp Giấy Chứng Nhận Thương Binh hạng ¾ (41% vĩnh viễn). Hiện nay, tình trạng sức khỏe của bạn yếu nguyên nhân là vì tác động của chiến tranh. Ngoài ra, bạn đã tiến hành gộp tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật và bệnh tật thì trường hợp này bạn không được hưởng chế độ trợ cấp thương binh và chế độ mất sức lao động cùng nhau.

_ Thứ hai, bạn bị thương trong thời kì chiến tranh, nhưng như ở trên đã nói nếu bạn đáp ứng đủ các điều kiện ghi nhận tại khoản 1, Điều 23 của Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH thì bạn sẽ được nhận cả hai loại trợ cấp trên.

Ngoài ra, bạn gửi đến cho chúng tôi Quyết định số 60/HĐBT, Quyết định của Hội đồng bộ trưởng về việc sửa đổi chế độ trợ cấp đối với công nhân, viên chức nghỉ việc vì mất sức lao động xin giải thích rõ với bạn:

Thứ nhất về đối tượng được thực hiện theo Quyết định số 60/HĐBT là những đối tượng được ghi nhận tại Điều 14 của Nghị định số 236/HĐBT, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách về thương binh và xã hội.Cụ thể Điều 14 đã ghi nhận:

“Công nhân, viên chức vì ốm đau (không phải do bệnh nghề nghiệp), vì tai nạn (không phải do tai nạn lao động) mà mất sức lao động từ 61% trở lên, hoặc vì già yếu hết tuổi lao động được nghỉ việc thì hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động như sau:

1. Nếu có thời gian công tác đủ 15 năm trở lên (năm công tác tính theo hệ số nói ở điều 1) thì được hưởng trợ cấp hàng tháng. Người có đủ 15 năm công tác được tính trợ cấp bằng 40% tiền lương và phụ cấp thâm niên (nếu có); Ngoài ra, cứ thêm mỗi năm công tác được tính thêm 1%.

2. Nếu chưa có đủ 15 năm công tác thì được hưởng trợ cấp một lần: cứ mỗi năm công tác được trợ cấp 1 tháng lương và các khoản phụ cấp (nếu có). Trường hợp đời sống có nhiều khó khăn thì được xét trợ cấp cứu tế theo quy định của Bộ Thương binh và xã hội”.

Như vậy, Điều 14 xác nhận đối tượng sẽ được hưởng trợ cấp mất sức lao động. Khi thuộc đối tượng này thì sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng bằng 1/2 thời gian công tác đã quy đổi.

Nhưng ta có thể thấy những quy định này quy định quyền lợi cho người được hưởng trợ cấp mất sức lao động. Đối với thương binh như bạn cần phải đáp ứng các điều kiện đã nói ở trên để có thể vừa được hưởng chế độ trợ cấp đối với thương binh vừa được hưởng trợ cấp mất sức lao động.

Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 024.6294.9155  để được giải đáp

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM