Hệ thống pháp luật

Hưởng chế độ mai táng phí đối với người hoạt động cách mạng theo quyết định 62/2011/Qđ – Ttg

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL33158

Câu hỏi:

Cha em là Nguyễn Văn Hùng (trước kia là Nguyễn Thanh Hùng), sinh năm 1963 từng làm nghĩa vụ quốc tế ở Camphichia từ năm 1983 đến năm 1986 thì được quyết định phục viên, sau này được hưởng chính sách trợ cấp 1 lần đối với đối tượng tham gia làm nghĩa vụ quốc tế theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg và đã được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo chế độ trên. Nay Cha em mất vì bệnh, thì không biết có được hưởng chế độ mai táng phí theo Điều 6 của Quyết định 62/2011/QĐ-TTg không và nếu được thì em phải làm thủ tục như thế nào có phải cần thêm điều kiện gì khác hay không? (sau khi phục viên cha em không tham gia hoạt động chính trị tại địa phương)?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

– Căn cứ Điều 6 Quyết định 62/2011/QĐ-TTg quy định về chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí như sau: 

"Điều 6. Chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí

Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định này nếu chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; khi từ trần người lo mai táng được hưởng chế độ mai táng phí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành."

Trường hợp bố bạn được xác định là đối tượng được hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg thì khi từ trần, người lo mai táng được hưởng chế độ mai táng phí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.

– Căn cứ Điều 66 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về trợ cấp mai táng như sau:

"Điều 66. Trợ cấp mai táng

1. Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng:

a) Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên;

b) Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

c) Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.

2. Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điều này chết.

3. Người quy định tại khoản 1 Điều này bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng quy định tại khoản 2 Điều này."

Mức hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà bố bạn mất. Bố bạn đủ điều kiện hưởng chế độ mai táng phí, bạn có thể làm hồ sơ hưởng chế độ mai táng theo quy định tại tháng mà bố bạn mất bao gồm: giấy tờ chứng minh đủ điều kiện hưởng chế độ theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg; giấy chứng tử; giấy tờ chứng minh nhân thân là người lo mai táng phí.

Hồ sơ xét hưởng chế độ quy định tại khoản 1 Điều 7 Quyết định 62/2011/QĐ-TTg, được hướng dẫn thực hiện như sau: 

1. Giấy tờ làm căn cứ xét duyệt hưởng chế độ 

a) Giấy tờ gốc hoặc được coi như giấy tờ gốc, gồm: 

– Quyết định phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, thôi việc hoặc hết nhiệm vụ hoặc chuyển sang công nhân viên chức quốc phòng rồi thôi việc, quyết định của cơ quan có thẩm quyền cử đi lao động hợp tác quốc tế; 

– Phiếu lập sổ trợ cấp phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành; 

– Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp thương tật hoặc bản trích lục hồ sơ thương tật; 

– Lý lịch quân nhân, lý lịch cán bộ công chức, viên chức, lý lịch cán bộ hoặc bản trích yếu 63 đối với sĩ quan, phiếu quân nhân; lý lịch đi lao động ở nước ngoài; lý lịch đảng viên; sổ bảo hiểm xã hội (nếu có); 

Các giấy tờ gốc nêu trên bao gồm bản chính hoặc bản sao của cấp có thẩm quyền. 

– Giấy xác nhận quá trình công tác của cơ quan, đơn vị cũ trước khi đối tượng phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, thôi việc (mẫu 7, bản chính), do thủ trưởng cơ quan, đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên trực tiếp quản lý đối tượng trước khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc, thôi công tác hoặc cử đi lao động hợp tác quốc tế, chuyển ngành hoặc chuyển sang công nhân viên quốc phòng rồi thôi việc cấp, ký, đóng dấu, kèm theo bản photocopy hồ sơ của đối tượng hoặc danh sách đăng ký, quản lý đối tượng mà cơ quan, đơn vị đang lưu trữ để làm căn cứ xác nhận. Trường hợp cơ quan, đơn vị cũ đã sáp nhập hoặc giải thể thì do cơ quan, đơn vị mới được thành lập sau sáp nhập hoặc cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị đã giải thể xác nhận. 

b) Giấy tờ liên quan, gồm: 

– Quyết định nhập ngũ, tuyển dụng; phong, thăng quân hàm, nâng lương; điều động công tác, bổ nhiệm chức vụ; giao nhiệm vụ; 

– Giấy chứng nhận tham gia Thanh niên xung phong; giấy đăng ký quân nhân dự bị; phiếu khám sức khỏe, chuyển thương, chuyển viện; 

– Huân, huy chương tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và các hình thức khen thưởng khác; 

– Hồ sơ hưởng chính sách người có công, hưởng bảo hiểm xã hội một lần; 

– Giấy chứng tử; giấy báo tử tử sĩ; 

– Các giấy tờ liên quan khác, nếu có. "

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM