Hệ thống pháp luật

Hỏi về quyền của người bị tố cáo

Ngày gửi: 12/02/2018 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL40893

Câu hỏi:

Theo Điều 10 Luật tố cáo. Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo: – Người bị tố cáo có các quyền sau đây: – Được thông báo về nội dung tố cáo. – Đưa ra chứng cứ để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật; – Nhận thông báo kết luận nội dung tố cáo; – Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lí người cố ý tố cáo sai sự thật, người cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; – Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được xin lỗi, cải chính công khai, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra. Vậy nếu như tố cáo một người tàng trữ vũ khí trái phép hoặc tàng trữ trong nhà (có chứng cứ kèm theo) thì người bị tố cáo có được thông báo về nội dung tố cáo không? Hay khám xét khẩn cấp nhà ở của người bị tố cáo? Trân trọng cảm ơn !Xem thêm: Quy trình giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo? Quy trình giải quyết tố cáo?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Bộ Luật tố tụng hình sự 2003

Luật tố cáo 2011

2. Nội dung tư vấn

Thứ nhất, về nội dung thông báo tố cáo. Theo quy định tại Điểm a khoản 1  Điều 10 Luật tố cáo thì người bị tố cáo có quyền được thông báo về nội dung tố cáo khi có lệnh khám xét, bắt giữ của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp bạn hỏi là nếu một người tàng trữ vũ khí trái phép trong nhà bị tố cáo, cho dù có chứng cứ kèm theo thì người bị tố cáo vẫn có quyền được thông báo về nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật.

Tại Khoản 1 Điều 143 Bộ Luật tố tụng hình sự 2003 quy định:

“1. Việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm được tiến hành theo quy định tại các điều 140,141 và 142 của Bộ luật này”.

Tại Điều 142 Bộ Luật tố tụng hình sự 2003:

“1. khi bắt đầu khám nhà người có thẩm quyền phải đọc lệnh khám nhà và đưa cho đương sự đọc lệnh khám đó, giải thích cho đương sự và người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ”

Thứ hai, về trường hợp bắt khẩn cấp. Hành vi tàng trữ vũ khí trái phép trong nhà không thuộc trường hợp bắt khẩn cấp như theo quy định tại Khoản 1 Điều 81 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 vì vậy cơ quan có thẩm quyền vẫn sẽ tiến hành các thủ tục thông thường như theo quy định của pháp luật, nghĩa là người bị tố cáo sẽ có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như Điều 10 Luật tố cáo.

Theo Điều 81 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp quy định như sau:

“1. Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp:

A) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

B) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;

C) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.”

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM